Cuộc chiến khốc liệt giữa Alibaba và Tencent tại thị trường Đông Nam Á

(BĐT) - Hai gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent từ lâu đã đối đầu nhau trong cuộc chiến khốc liệt để thống lĩnh thị trường người dùng Internet trong nước. Tuy nhiên trong vài năm qua, cuộc chiến này đã vượt ra ngoài Đại lục, và Đông Nam Á trở thành một chiến trường quan trọng của hai ông lớn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cả Alibaba và Tencent đều đã đầu tư số tiền khổng lồ và uy tín thương hiệu của mình vào nhiều công ty khởi nghiệp. Các khoản đầu tư ngày càng nhiều của họ đang tạo nên một tình thế khó xử đối với các công ty tìm kiếm đầu tư mới, khi phải đưa ra lựa chọn giữa hai gã khổng lồ.

Tại Đông Nam Á, Alibaba tập trung vào việc thâu tóm các thương hiệu thương mại điện tử; trong khi Tencent trải rộng đầu tư vào các lĩnh vực như trò chơi trực tuyến, ứng dụng gọi xe, chia sẻ xe đạp và cả thương mại điện tử.

Theo Channel NewsAsia, giới quan sát thị trường dự báo Alibaba và Tencent sẽ đối đầu với nhau ở nhiều lĩnh vực đầu tư hơn, bởi cả hai đều muốn gia nhập mảng kinh doanh sử dụng thanh toán di động. Điều này có thể khiến các công ty khởi nghiệp gây quỹ gặp khó khăn khi đưa ra quyết định lựa chọn, do hai ông lớn này không được đồng thời rót vốn vào cùng một doanh nghiệp.

Tháng 8 năm ngoái, Alibaba đã đánh bại Tencent để nắm giữ cổ phần tại hãng bán lẻ trực tuyến Tokopedia, hay còn được gọi là Taobao của Indonesia. Trước đó, trong tháng 5/2017, Tencent dẫn đầu vòng tài trợ trị giá 1,2 tỷ USD vào hãng cung cấp dịch vụ xe chung Go-Jek có trụ sở tại Indonesia. Trong khi startup chia sẻ xe đạp Ofo được hậu thuẫn bởi Alibaba, thì Tencent lại đứng đằng sau ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike – một ví dụ cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai gã khổng lồ công nghệ.

Giới quan sát thị trường cho rằng các công ty công nghệ cao khổng lồ và các nhà đầu tư cổ phần tư nhân Trung Quốc đặc biệt rất bị lôi cuốn bởi Đông Nam Á – một thị trường với ít đối thủ cạnh tranh và rào càn pháp lý thấp hơn so với châu Âu và Mỹ.

Theo bà Grace Sai, người điều hành không gian làm việc chung Found. tại Singapore, Đông Nam Á là khu vực có nhân khẩu học thuận lợi, với 640 triệu dân và 340 triệu người dùng Internet. “Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á tương đối non trẻ với tuổi đời mới chỉ 6-7 năm, và cũng chỉ mới có khoảng 6-7 startup có giá trị trên 1 tỷ USD – hay còn gọi là startup kỳ lân”, bà Sai cho hay.

Ngược lại, Trung Quốc có 124 startup kỳ lân, gấp 20 lần so với khu vực Đông Nam Á. Trong đó, một nửa số công ty này được kiểm soát hoặc được hậu thuẫn bởi 3 ông lớn công nghệ là Baidu, Alibaba và Tencent.

Chiến lược tranh giành thị phần và người dùng thông qua hoạt động thâu tóm đã giúp Alibaba và Tencent phát triển mạnh tại thị trường sân nhà, và họ cũng đang sử dụng phương pháp tiếp cận này ở Đông Nam Á. Hãng đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures có trụ sở tại Singapore cho biết cách tiếp cận địa phương hóa để mở rộng ở thị trường quốc tế là sự khác biệt giữa các hãng công nghệ Trung Quốc và đối thủ Thung lũng Silicon.

“Khi Amazon gia nhập thị trường Đông Nam Á, họ đem theo công nghệ riêng của mình và đưa người Mỹ đến Singapore để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của họ”, ông Vinnie Lauria tại Golden Gate Ventures cho biết.

Ở chiều ngược lại, Alibaba đã mua lại Lazada. “Do đó, họ đang có được những kiến thức tại địa phương. Họ đang bản địa hóa công ty không chỉ bằng các ngôn ngữ khác nhau, mà còn bằng đội ngũ đã xây dựng nên thương hiệu được người tiêu dùng địa phương nhận diện. Đó là chìa khóa thành công của họ”, ông Lauria nhận xét.

Ngoài ra, Alibaba và Tencent đang phải đối mặt sự bão hòa và tăng trưởng chậm lại của thị trường nội địa. “Trong 10 năm qua tại Trung Quốc, một trong những động lực chính cho các công ty Internet là sự tăng trưởng dân số. Tuy nhiên hiện nay, số lượng người dùng Internet và điện thoại di động tại Đại lục đã lên tới 700 triệu người trong năm 2017. Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại. Trong trường hợp đó, các ông lớn công nghệ Trung Quốc buộc phải mở rộng thị trường ra bên ngoài”, Victor Ai thuộc Tập đoàn China Everbright tại Bắc Kinh, cho biết. 

Chuyên đề