Blockchain cho phép tất cả mọi người có chứng thực nhân thân, có tài sản để trông chờ lúc khó khăn mà khó ai có thể tước đi được |
Ông Paul Domjan, Giám đốc nghiên cứu, phân tích và dữ liệu toàn cầu của ngân hàng đầu tư Exotix, chuyên về các thị trường mới nổi, so sánh công nghệ Blockchain với điện thoại thông minh và sự bùng nổ điện thoại di động trong thập kỷ qua.
Thông thường mọi người có một cơ sở dữ liệu trung tâm để ghi lại những thứ như giao dịch, thương mại. Trong các giao dịch thông thường, sẽ cần những người trung gian để đảm bảo mọi người và mọi thứ đang "chơi" theo đúng quy tắc.
Blockchain loại bỏ sự cần thiết phải có những thành phần trung gian đó. Công nghệ này ban đầu được phát triển để giúp Bitcoin hoạt động độc lập và không cần tới sự kiểm soát của một ngân hàng Trung ương nào.
Nhưng chính tính năng này được cho là có những ứng dụng gần như vô tận cho các ngành công nghiệp khác và các quá trình liên quan, vốn cần đến vai trò của người trung gian đáng tin cậy hoặc cơ quan Trung ương.
Các ngân hàng đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng Blockchain vì quá trình kiểm tra và sự tin cậy sẵn có của công nghệ này sẽ làm giảm nhu cầu người trung gian trong các quy trình như thanh toán. Điều này, cuối cùng sẽ giúp cắt giảm chi phí. Santander ước tính trong một báo cáo năm 2015 rằng công nghệ này có thể tiết kiệm cho các ngân hàng khoảng 20 tỷ USD.
Nhiều quốc gia phát triển như Thụy Điển đang xem xét một hệ thống đăng ký đất đai dựa trên Blockchain. Những nước khác như Ukraine và Georgia cũng đang xem xét các giải pháp dựa trên công nghệ này. Nó có thể được sử dụng để duy trì một bản ghi rõ ràng, đáng tin cậy về bất cứ điều gì.
Ví dụ, Estonia đã triển khai các dịch vụ công chứng của BitNation, bao gồm công nhận đăng ký kết hôn được ghi lại trong blockName của BitNation.
Những lợi ích của Blockchain cũng có thể được ứng dụng với các hợp đồng giao dịch. Đơn cử như Ethereum là một nền tảng được thiết kế và phát triển dựa trên giao thức Smart Contract (hợp đồng thông minh). Nền tảng này có thể sẽ không phát triển mạnh mẽ ở các nước phát triển – nơi các quá trình như vậy đã được thiết lập nhưng nhưng nó có thể đóng vai trò chuyển đổi ở các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Domjan cho rằng sự dễ dàng chuyển đổi sang các đồng tiền kỹ thuật số, được xây dựng trên công nghệ Blockchain, cũng hữu ích nhất cho các quốc gia đang phát triển.
Tại một phiên thảo luận về Blockchain tại Utah mới đây, ông Peter Relan, CEO của GotIt! tại thung lũng Silicon chia sẻ, quyền tiếp cận tới "tiền" trong hàng ngàn năm qua luôn luôn là quyền của những ai được "chấp nhận" trong xã hội. Tiền số và tính thanh khoản của nó mở ra một lựa chọn thay thế cho những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo, dân tị nạn, những người không được tiếp cận tới tiền.
Công nghệ Blockchain, còn được gọi là công nghệ sổ cái phân tán, lần đầu tiên được phổ biến bởi Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số được tạo ra trong năm 2009. Công nghệ này sử dụng kỹ thuật mã hóa phức tạp và sự xác thực theo nhóm để giám sát và kiểm tra bất kỳ thông tin nào trên sổ cái.