Công khai địa phương, đơn vị chỉ định thầu nhiều

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công khai danh sách các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng số lượng gói thầu và tổng giá gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu lớn.
Có 15 đơn vị được nêu danh trong danh sách đơn vị có tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu lớn, từ 80,74% - 93,49%, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Tiên Giang
Có 15 đơn vị được nêu danh trong danh sách đơn vị có tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu lớn, từ 80,74% - 93,49%, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Tiên Giang

Theo đó, có 15 đơn vị được nêu danh trong danh sách cơ quan, đơn vị có tỷ lệ số gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu lớn, từ 80,74% - 93,49%. UBND tỉnh Khánh Hòa là đơn vị đứng đầu với 4.337 gói thầu áp dụng chỉ định thầu trong tổng số 4.639 gói thầu, chiếm tỷ lệ 93,49%. Tiếp theo là UBND tỉnh Phú Yên với 1.866 gói thầu áp dụng chỉ định thầu trong tổng số 2.113 gói thầu, chiếm tỷ lệ tương ứng 88,31%. Đứng thứ ba trong danh sách 15 đơn vị này là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông với 7.232 gói chỉ định thầu trong tổng số 8.279 gói thầu, tương ứng tỷ lệ 87,35%. 12 đơn vị tiếp theo lần lượt là Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Quảng Bình, Yên Bái, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hậu Giang, Tây Ninh, Long An và Sóc Trăng.

Có 15 đơn vị được nêu danh trong danh sách cơ quan, đơn vị có tỷ trọng tổng giá gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu lớn. Trong đó, Bộ Ngoại giao có tổng giá gói thầu áp dụng chỉ định thầu là 404.282 triệu đồng, trong khi tổng giá gói thầu chung là 447.975 triệu đồng. Như vậy tỷ trọng về tổng giá gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu tại Bộ này là 90,25%. Về tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu áp dụng chỉ định thầu tại 15 đơn vị được nêu danh, mức cao nhất đạt 11,02% tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội, thấp nhất là 0% tại Ủy Ban Dân tộc và Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Đáng chú ý, trong danh sách được nêu có 5 cơ quan, đơn vị có tổng giá gói thầu áp dụng chỉ định thầu lên đến ngàn tỷ. Dẫn đầu là Bộ Quốc phòng với tổng giá gói thầu áp dụng chỉ định thầu lên đến 17.891.067 triệu đồng. Tiếp đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông với tổng giá gói thầu áp dụng chỉ định thầu lên đến 5.752.748 triệu đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội với 3.454.366 triệu đồng; UBND tỉnh Khánh Hòa với 1.203.114 triệu đồng và UBND tỉnh Thừa thiên Huế với 1.044.938 triệu đồng.

Bộ KH&ĐT cũng vừa công khai danh tính 41 địa phương, đơn vị chưa thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2017. Theo đó, trong số này có 16 UBND các tỉnh gồm: Bình Phước, Điện Biên, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Tây Ninh, Tiền Giang, Thái Nguyên và Yên Bái. Có 3 tập đoàn và 7 tổng công ty cũng được công khai trong danh sách này. Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Phát triển… cũng có tên trong số 41 đơn vị chưa thực hiện đấu thầu qua mạng.

Về danh sách các địa phương, đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu thấp vừa được Bộ KH&ĐT công khai cho thấy có 24 đơn vị được nêu danh với tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu chỉ đạt  từ 0,07% đến 1,34%.

Trong số 15 đơn vị được nêu danh trong danh sách cơ quan, đơn vị có tỷ trọng tổng giá gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu lớn còn có tên các đơn vị: Bộ Xây dựng, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, UBND tỉnh Yên Bái…

Các số liệu nêu trên được cập nhật dựa trên báo cáo công tác đấu thầu năm 2017. Liên quan đến việc công khai danh tính các địa phương, đơn vị nêu trên, vào tháng 7/2018, tại Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho biết, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước chưa thực sự sát sao, quan tâm đến hiệu quả công tác đấu thầu, chưa có những chỉ đạo quyết liệt, biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu, hạn chế những hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh như chỉ định thầu.

Tại Báo cáo, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ cập nhật thường xuyên và công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu các thông tin như: Danh sách các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng số lượng gói thầu và tổng giá gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu lớn; Danh sách các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu thấp và Danh sách các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện đấu thầu qua mạng.

Vào cuối tháng 10/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với các kiến nghị này của Bộ KH&ĐT. Theo đó, đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tiến hành công khai các danh sách này. Với việc công khai này, hy vọng trong thời gian tới, công tác đấu thầu sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, đem lại hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Chuyên đề