Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, chứng khoán Mỹ sụt điểm

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng xấu đi khi Chủ tịch FED tỏ ý chống lại sức ép trong vấn đề hạ lãi suất...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, căng thẳng thương mại, và những dữ liệu kinh tế gây thất vọng khiến nhà đầu tư dè chừng. 

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng xấu đi khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell tỏ ý chống lại sức ép của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề hạ lãi suất.

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng chốt phiên trong sắc đỏ, sau khi ông Powell nói rằng FED đang băn khoăn không biết liệu những bấp bênh thương mại và các vấn đề khác có thực sự là cơ sở để tiến hành cắt giảm lãi suất - Reuters đưa tin.

Phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại ở Washington, ông Powell cũng tái khẳng định sự độc lập của FED. Những phát biểu này được người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng FED "chẳng biết mình đang làm gì".

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, thống đốc FED chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói ông không nghĩ FED cần phải cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 7.

Mới tuần trước, ông Bullard còn nói ông cảm thấy mức lạm phát thấp và những bấp bênh về triển vọng kinh tế cho thấy sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất.

"Cả ông Powell và Bullard đều có những phát biểu cho thấy họ có thể không muốn cắt giảm lãi suất trong tháng 7", ông Peter Tuz, Giám đốc Chase Investment Counsel, nhận xét. "Sau cuộc họp tuần trước, những kỳ vọng về hạ lãi suất đã tăng cao. Nhưng điều này có thể sẽ không phải là bức tranh của tháng tới".

"Tương tự, tuần trước là một tuần của mức kỳ vọng cao rằng cuộc gặp ở thượng đỉnh G20 sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Càng đến gần cuộc gặp đó, thì sự lạc quan có giảm đi đôi chút", ông Tuz nói thêm.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng ông Trump sẽ "hoàn toàn thoải mái với bất kỳ kết quả nào" từ cuộc gặp dự kiến giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6. Tuyên bố này khiến mối lo về vấn đề thương mại một lần nữa gây sức ép lên các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Các dữ liệu kinh tế công bố ngày thứ Ba cũng kém "tươi", với doanh số bán nhà mới và niềm tin người tiêu dùng đều thấp hơn dự báo.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,67%, còn 26.548,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,95%, còn 2.917,38 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,51%, còn 7.884,72 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500, có 10 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Nhóm công nghệ và dịch vụ truyền thông hứng mức giảm mạnh nhất tính theo phần trăm.

"Sự suy yếu của những nhóm cổ phiếu này khiến nhà đầu tư rút khỏi thị trường", ông Tuz nói.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn nhạy cảm với lãi suất giảm 0,6%, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm về gần ngưỡng then chốt 2%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là gần 1,8 lần.

Có tổng cộng 7,05 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,02 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề