Ảnh minh hoạ - Ảnh; CNBC |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu dù đón báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến, do xung đột vũ trang Nga-Ukraine tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Nỗi lo gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga đẩy giá dầu tăng hơn 7%, trong khi giá Bitcoin giảm khá mạnh và không được giữ đươc ngưỡng chủ chốt 40.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 179,86 điểm, tương đương giảm 0,53%, còn 33.614,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79%, còn 4.328,87 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,66%, còn 13.313,44 điểm.
Trong phiên, có lúc Dow Jones giảm hơn 500 điểm, nhưng thu hẹp mức giảm khi chốt phiên nhờ dữ liệu tích cực về thị trường lao động. Dù vậy, chỉ số đã có thêm một tuần giảm nữa, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tục.
Các chỉ số đi xuống sau khi có thông tin cho rằng khói đã được nhìn thấy bốc lên rõ ràng từ một nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia, Ukriane, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, sau khi bị quân Nga tấn công. Truyền thông phương Tây cho biết lực lượng Nga sau đó đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân này.
“Tôi cho rằng thị trường có lẽ đang trong quá trình dò đáy rồi, nhưng rất khó để định hình những dạng vấn đề địa chính trị như thế này”, Giám đốc chiến lược Jeff Mortimer của BNY Mellon Wealth Management phát biểu. “Lịch sử đã cho thấy nhiều bài học trong đó nhà đầu tư nêu mua vào trong thời gian có xung đột. Nhưng mỗi cuộc chiến, mỗi tình huống đều không giống nhau”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 7,65 USD/thùng, tương đương tăng 6,9%, chốt ở 118,11 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 8,01 USD/thùng, tương đương tăng 7,4%, chốt ở 115,68 USD/thùng.
Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu Brent kể từ tháng 2/2013 và của giá dầu WTI kể từ tháng 9/2008.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView. |
Giá dầu đã tăng hơn 20% kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh trừng phạt Nga sau khi Nga tấn công vào Ukraine hôm 24/2. Giao dịch dầu Nga đang bị gián đoạn nghiêm trọng do ảnh hưởng gián tiếp của các biện pháp trừng phạt. Người bán dầu Nga đang rất khó bán được hàng, cho dù đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với giá dầu tiêu chuẩn Brent.
Trong một cuộc họp báo cùng ngày, Nhà Trắng không loại trừ khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga đang áp đảo hy vọng về việc Mỹ và Iran có thể đạt một thoả thuận về chương trình hạt nhân của Tehran – thoả thuận có thể mở đường cho dầu xuất khẩu của Iran trở lại thị trường.
Trái phiếu kho bạc Mỹ được nhà đầu tư mua mạnh để phòng ngừa rủi ro, khiến giá trái phiếu tăng và lợi suất giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn khoảng 1,73%.
Cổ phiếu tài chính, nhóm hưởng lợi từ lãi suất tăng, giảm mạnh. American Express giảm 3,8% và JPMorgan Chase giảm 2,8%.
Các nhóm cổ phiếu liên quan đến đi lại cũng tụt dốc phiên này, như United Airlines giảm hơn 9%, Delta Air Lines và American Airlines giảm tương ứng 5,6% và 7,1%. Cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đồng loạt đi xuống, với Microsoft mất 2% và Apple sụt 1,8%.
Trái lại, mức tăng mạnh được ghi nhận ở nhóm cổ phiếu năng lượng. Occidental Petroleum tăng hơn 17% và Diamondback Energy tăng 2,7%.
Nỗi lo về xung đột ở Ukraine lấn át sự hứng khởi mà báo cáo việc làm tháng 2 mang lại. Theo Bộ lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nước này có 678.000 công việc mới trong tháng trước, vượt xa mức dự báo 440.000 công việc mới mà các chuyên gia được Dow Jones khảo sát đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,8%.
Đây là báo cáo việc làm cuối cùng trước cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 3, mà theo dự báo ngân hàng trung ương này sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này nói rằng ông nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3.
“Dữ liệu việc làm ngày hôm nay là một bằng chứng nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đủ mạnh để chống chọi với một chu kỳ tăng lãi suất nhanh. Sự bất định liên quan đến xung đột ở Ukraine sẽ không làm giảm sự cấp thiết buộc Fed phải thắt chặt”, chiến lược gia Seema Shah của Princial Global Investors nhận định.
“Tuy nhiên, trong những tháng tới đây, những sự kiện này có thể làm gia tăng sự thận trọng trong các cuộc thảo luận nội bộ của Fed. Nếu giá lương thực và giá năng lượng tăng cao bắt đầu gây áp lực lớn lên chi tiêu của các hộ gia đình, các nhà hoạch định chính sách có thể quay trở lại tập trung vào những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế”, ông Shah nói thêm.
Một điểm gây ngạc nhiên trong báo cáo việc làm là tốc độ tăng trưởng tiền lương không có nhiều thay đổi so với mức tăng của tháng trước. Sự tăng trưởng tiền lương yếu hơn dự báo có thể khiến áp lực giá cả đè nặng hơn lên các hộ gia đình Mỹ, nhưng đồng thời cũng giúp xoa dịu mối lo ngại rằng lạm phát sẽ kéo dài.
“Những chi tiết của báo cáo việc làm này này có lợi cho giá cổ phiếu, vì số lượng việc làm mới vẫn lớn, tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng của tiền lương có vẻ yếu. Điều này sẽ giảm bớt một số sức ép thắt chặt đối với Fed”, chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge phát biểu.
Cả tuần, Dow Jones và S&P 500 giảm khoảng 1,3%, trong khi Nasdaq trượt khoảng 2,8%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu và chốt tuần với mức giảm 7%. VanEck Russia ETF, quỹ đầu tư cổ phiếu Ngay, giảm thêm 2% trong phiên này, nâng tổng mức giảm của cả tuần lên hơn 60%.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin không giữ được đà tăng nhẹ từ đầu tuần. Lúc hơn 8h sáng nay (5/3), giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 38.929 USD, giảm 6,6% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần, giá tiền ảo này giảm 2,2%.