Chứng khoán Mỹ giằng co trước cuộc họp Fed, giá dầu kiểm định ngưỡng 100 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu sụt mạnh, có lúc tuột khỏi mốc 100 USD/thùng, do có tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga-Ukraine và do đợt bùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giằng co giữa giảm và tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/3), khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu sụt mạnh, có lúc tuột khỏi mốc 100 USD/thùng, do có tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga-Ukraine và do đợt bùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng giảm điểm, với mức giảm tương ứng 0,7% và 2%, còn 4.173,11 điểm và 12.581,22 điểm. Đây là phiên giảm thứ 7 trong vòng 8 phiên trở lại đây của hai chỉ số này.

Riêng chỉ số Dow Jones tăng hơn 1 điểm, chốt ở 32.945,24 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục dõi theo cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khi hai nước này bắt đầu một vòng đàm phán ngừng bắn mới vào ngày thứ Hai. Trong khi đó, Nga đang đến gần thời hạn phải thanh toán một số khoản nợ. Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cùng ngày có một cuộc gặp để bàn về những thách thức trong mối quan hệ song phương, bao gồm xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

“Thị trường vẫn đang bất an. Có quá nhiều mối lo về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, về lạm phát và về Fed. Nhà đầu tư đang lo về khả năng xuất hiện của thị trường đầu cơ giá xuống (bear market)”, Giám đốc đầu tư Gene Goldman của Cetara Investment Management phát biểu.

Tuy nhiên, ông Goldman không cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống. “Một sự giảm điểm/điều chỉnh chỉ trở thành thị trường đầu cơ giá xuống nếu suy thoái có thể xảy ra. Các dữ liệu nền tảng về thị trường lao động, đầu tư cho xây dựng, các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI)… đều đang cho thấy một nền tảng kinh tế vững chãi.

Ngoài tình hình Ukraine, nhà đầu tư cũng đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày 15-16/3 của Fed. Tại cuộc họp này, Fed có thể có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ khi hạ lãi suất xuống mức 0-0,25% hiện nay vào năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua sóng gió do Covid-19 gây ra. Theo dự báo của Phố Wall, mức nâng lãi suất trong lần họp này của Fed sẽ là 0,25 điểm phần trăm.

Sức ép lạm phát gia tăng sẽ phủ bóng lên cuộc họp của Fed. Việc Trung Quốc phong toả thành phố Thẩm Quyến để chống Covid có thể sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng. Trước đợt phong toả này của Trung Quốc, giá hàng hoá cơ bản toàn cầu đã tăng chóng mặt vì xung đột Nga-Ukraine”.

“Cả hai nhân tố này đều đẩy giá cả leo thang. Các ngân hàng trung ương sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất để hấp thụ bớt lạm phát đang gia tăng”, nhà quản lý quỹ Benjamin Tsai thuộc Wave Financial Group đánh giá.

Ngoài việc nâng lãi suất, Fed trong lần họp này còn có thể điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và dự báo về đường đi của lãi suất trong tương lai. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương này còn có thể bàn đến thời điểm có thể bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán, tức là cắt giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ, hay còn gọi là thắt chặt định lượng (QT).

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 5,77 USD/thùng, tương đương giảm 5,1%, chốt ở 106,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 6,32 USD/thùng, tương đương giảm 5,8%, còn 103,01 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm hơn 8%, xuống dưới mức 100 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ hôm 28/2 và của dầu Brent kể từ hôm 1/3. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, giá cả hai loại dầu đã tăng khoảng 36%.

“Giá dầu đang phải ánh nỗi lo giá xuống do xuất hiện kỳ vọng vào những diễn biến tích cực trong vòng đàm phán Nga-Ukraine mới nhất”, nhà phân tích Kaushal Ramesh thuộc công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy phát biểu.

Công ty tư vấn năng lượng EBW Analytics thì nhấn mạnh rằng “một đợt bùng dịch Covid mới ở Trung Quốc đang dẫn tới phong toả do biến chủng Omicron lây nhanh”, có thể khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu yếu đi, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất dầu thô, khí hoá lỏng (LNG) và than.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga trong tháng 3 này đã đạt mức 11,12 triệu thùng/ngày, tăng so với tháng trước, bất chấp các biện pháp trừng phạt. Nga là nước xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới, tổng cộng đạt khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Mỹ đã cấm nhập dầu thô và khí đốt từ Nga, Anh cũng đang cắt giảm để tiến tới ngừng nhập năng lượng từ Nga vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu (EU) ngày thứ Hai đã nhất trí về một gói trừng phạt thứ tư nhằm vào Nga, nhưng không nhằm vào xuất khẩu năng lượng của nước này.

“Các nhà giao dịch năng lượng đã nhanh chóng từ bỏ một số trạng thái đầu cơ giá lên dầu thô, sau khi đợt trừng phạt mới nhất của EU không nhằm vào dầu Nga”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét.

Mỹ cũng đang nỗ lực nhằm đạt một thoả thuận với Iran về khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc. Giới phân tích nói rằng một thoả thuận với Iran sẽ đưa 1 triệu thùng dầu từ Iran trở lại thị toàn cầu mỗi ngày, nhưng số dầu này sẽ không đủ để bù đắp sự suy giảm nguồn cung từ Nga.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin nhìn chung ít biến động trong những ngày gần đây, tiếp tục dao động quanh mốc 40.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 39.700 USD, tăng khoảng 4,5% so với cách đó 24 tiếng.

Chuyên đề