Chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá dầu tái lập mốc 100 USD/thùng, Bitcoin tăng chóng mặt

0:00 / 0:00
0:00
Một chiến lược gia cho rằng giai đoạn bán tháo tồi tệ nhất do. ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine có thể đã qua...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai (28/2), khi nhà đầu tư tiếp tục dõi theo cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giá dầu thô đóng cửa ở mức trên 100 USD/thùng do lo ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga, trong khi giá Bitcoin tăng mạnh sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên Ngân hàng Trung ương Nga (BCR).

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm gần 170 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 33.892,6 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,24%, còn 4.373,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,41%, đạt 13.751,4 điểm.

Các quốc giao tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine, dù quan chức nước này và Nga đã hoàn tất một vòng đàm phán quan trọng trong ngày 28/2. Lực lượng của Ukraine vẫn đang giữ được quyền kiểm soát các thành phố chính của nước này, bao gồm thủ đô Kyiv.

Trong một diễn biến khác, CBR ngày 28/2 nâng gấp đôi lãi suất lên 20% nhằm ngăn đà giảm chóng mặt của đồng Rúp trong bối cảnh Nga bị phương Tây áp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt.

Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho rằng giai đoạn bán tháo tồi tệ nhất do. ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine có thể đã qua.

“Xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục gây biến động thị trường, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp sẽ không lớn. Các rủi ro gián tiếp là lớn hơn, xét đến tác động của giá hàng hoá cơ bản gia tăng đối với lạm phát, tăng trưởng và tiêu dùng”, ông Kolanovic nói trong một báo cáo. “Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may. Cuộc khủng hoảng này dẫn tới việc thị trường tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải mềm mỏng hơn khi điều chỉnh chính sách tiền tệ”.

Nhà đầu tư đang chuẩn bị dõi theo cuộc điều trần mỗi năm 2 lần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ, bắt đầu vào ngày thứ Tư tuần này.

Phiên ngày thứ Hai cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2. Dow Jones giảm 3,5% trong tháng vừa qua. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,1% và 3,4%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,06 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, chốt ở 100,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 4,13 USD/thùng, tương đương tăng 4,5%, chốt ở 95,72 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 105,07 USD/thùng và giá dầu WTI có lúc đạt 99,1 USD/thùng.

“Thị trường dầu vốn đã bị thắt chặt nguồn cung có thể càng thắt chặt hơn sau khi Nga tấn công Ukraine”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates phát biểu.

Do tấn công Ukraine, Nga đang đương đầu với loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây, bao gồm việc bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Dù các lệnh trừng phạt chưa nhằm vào ngành năng lượng của Nga, giới đầu tư lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu hàng hoá cơ bản của nước này, bao gồm dầu thô và khí đốt, có thể bị gián đoạn.

Ngoài ra, “Nga có thể trả đũa sự trừng phạt này bằng cách giảm hoặc thậm chí là cắt hoàn toàn cung cấp năng lượng cho châu Âu”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank phát biểu.

Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá dầu Brent trong vòng 1 tháng tới đây lên 115 USD/thùng, từ mức dự báo 95 USD/thùng đưa ra trước đó. “Chúng tôi dự báo giá của các hàng hoá cơ bản mà Nga là nhà sản xuất chính sẽ tiếp tục tăng, trong đó có dầu thô”, Goldman Sachs nhận định.

Vào ngày thứ Tư tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh dẫn đầu là Nga, thường gọi là nhóm OPEC+, sẽ nhóm họp về vấn đề sản lượng. Theo nhận định của giới phân tích, OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng trong tháng 4.

Trước cuộc họp, OPEC+ giảm dự báo về mức dư cung dầu của thế giới trong năm 2022 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, từ mức dự báo khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trước đó. Điều này cho thấy nguồn cung dầu đang ngày càng có chiều hướng thắt chặt.

Thị trường tiền ảo đang hưởng lợi từ việc Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên CBR, theo đó cấm các cá nhân và tổ chức của Mỹ giao dịch với CBR, đồng thời đóng băng các tài sản tại Mỹ của ngân hàng trung ương này.

Dù tiền ảo không được xem là một “hầm trú ẩn” trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine như kỳ vọng, các tài sản số lại cho thấy một ưu thế khác. Đó là khả năng “né” các biện pháp trừng phạt vì tiền ảo không thuộc quyền quản lý của một chính phủ hay ngân hàng trung ương nào.

Theo công ty dữ liệu tiền ảo Kaiko, từ hôm thứ Năm tuần trước, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, khối lượng giao dịch Bitcoin bằng đồng Rúp Nga và Hryvnia Ukraine trên các sàn tiền ảo tập trung đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng.

Lúc hơn 7h sáng nay (1/3) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 43.379 USD, tăng 15,5% so với cách đó 24 tiếng.

Chuyên đề