Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói về một trong những cản trở đối với việc xây dựng Nhà nước kiến tạo tại Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo đang diễn ra ngày 13/6.
Theo ông Dũng, Nhà nước kiến tạo phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ làm ăn cho doanh nghiệp, người dân. Những “quyền” lớn cần bảo đảm để thực hiện được vai trò Nhà nước kiến tạo đó là quyền tự do tài sản, tự do kinh doanh, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp.
Cụ thể, quyền tự do tài sản trong đó lớn nhất là quyền tự do về đất đai bị hạn chế. Quyền chuyển đổi, quyền thu hồi, quyền định giá của Nhà nước làm quyền tự do tài sản ở lĩnh vực đất đai bị méo mó.
Quyền tự do kinh doanh chưa được đảm bảo khi các điều kiện kinh doanh vẫn qúa nhiều. Chính phủ đang hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, nhưng quan trọng nhất là phải giảm chi phí tuân thủ pháp luật, vì theo ông Dũng “chi phí này tuân thủ pháp luật tại Việt Nam lớn khủng khiếp, không ai có thể làm ăn dễ dàng với chi phí như vậy”.
Vấn đề tiếp theo là giải quyết tranh chấp liên quan đến năng lực thực thi pháp luật của bộ máy Nhà nước. “Việc thực thi pháp luật khó khăn vì phân quyền giữa trung ương và địa phương rất chồng chéo, không có tự quản, cấp nào cũng rất rối loạn trong chuyện thực thi pháp luật”, ông Dũng nhận định.
Đặc biệt, phải bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực giữa tất cả các doanh nghiệp. Theo ông Dũng, chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm đang chi phối quá trình ban hành chính sách, phải cắt được quan hệ này mới có công bằng cho doanh nghiệp tư nhân.
BOX: Hội nghị quốc tế Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo do Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, để cùng tìm lời giải cho việc làm thế nào để xây dựng, thúc đẩy Nhà nước kiến tạo tại Việt Nam, xác định rõ bàn tay của Nhà nước đến đâu để không cản trở, kìm hãm, làm méo mó thị trường...