Chiến dịch săn tàu ngầm Liên Xô ngoài khơi Cuba của chiến hạm Mỹ

Mỹ triển khai hàng trăm tàu chiến để săn lùng 4 tàu ngầm Liên Xô ngoài khơi Cuba vào năm 1962, suýt đẩy thế giới vào cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
VasiliArkhipov (phải), sĩ quan hải quân Liên Xô cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân. Ảnh: Guardian
VasiliArkhipov (phải), sĩ quan hải quân Liên Xô cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân. Ảnh:Guardian

Năm 1962, để đáp trả sự kiện Vịnh Con Lợn cũng như việc Mỹ đưa tên lửa đạn đạo hạt nhân tới Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô bí mật tiến hành chiến dịch Anadyr, đưa tiêm kích, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân R-12 và R-14 đến Cuba bằng đường biển.

Máy bay trinh sát U-2 Mỹ chụp ảnh được trận địa tên lửa Liên Xô ở San Cristobal, Cuba vào ngày 14/10/1962, khơi mào cho cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ra lệnh triển khai hàng trăm tàu chiến, trong đó có 4 tàu sân bay và nhiều máy bay tuần tra để phong tỏa bờ biển Cuba.

Đáp lại, Liên Xô tiến hành chiến dịch Kama, triển khai 4 tàu ngầm diesel Đề án 641 mang số hiệu B-4, B-36, B-59 và B-130 thuộc Lữ đoàn tàu ngầm số 69 bí mật tìm đường băng qua hàng rào phong tỏa của tàu chiến Mỹ để tiếp cận Cuba. Đây đều là các tàu ngầm trang bị ngư lôi hạt nhân và chỉ huy tàu đều có quyền tung đòn tấn công hạt nhân mà không cần xin phép lãnh đạo cấp cao, theo National Interest.

Một tàu ngầm Đề án 641

Đầu tháng 10/1962, biên đội 4 chiếc tàu ngầm khởi hành từ bán đảo Kola, liên tục tìm cách tránh máy bay săn ngầm P-2 Neptune và Avro Shackleton của NATO hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương.

Tàu ngầm Đề án 641 trang bị những khối ắc quy lớn giúp chúng có thể lặn liên tục trong 10 ngày. Tuy nhiên, trên đường đến Cuba, chúng vẫn phải nổi lên định kỳ để sạc ắc quy.

Điều kiện sinh hoạt trên tàu ngầm nhanh chóng xuống cấp khi tàu đến gần Cuba, bởi hệ thống làm mát không được thiết kế cho vùng biển nhiệt đới. Nhiệt độ trong tàu có lúc lên đến 37-60 độ C, tăng nguy cơ sản sinh khí độc đe dọa mạng sống thủy thủ. Việc thiếu nước sạch khiến tình trạng mất nước, sốt phát ban diễn ra phổ biến với thủy thủ đoàn.

Đến ngày 23/10, phát hiện dấu hiệu tàu ngầm Liên Xô đang tìm cách tiếp cận Cuba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara ra lệnh cho các tàu chiến sử dụng bom chìm huấn luyện (PDC) để săn lùng tàu ngầm.

Bom PDC có đầu nổ rất nhỏ, được dùng để báo hiệu cho tàu ngầm Liên Xô biết rằng họ đã bị phát hiện và buộc phải nổi lên trước khi tàu chiến Mỹ sử dụng loại bom chìm uy lực hơn.

Sức công phá của bom chìm PDC dù nhỏ nhưng vẫn làm hỏng cột ăng ten vô tuyến trên tàu ngầm Liên Xô, khiến thủy thủ đoàn không liên lạc được với sở chỉ huy. Bởi vậy, các sĩ quan trên tàu ngầm không hề biết đến "Thủ tục nhận dạng và yêu cầu tàu ngầm nổi lên" mà Mỹ đã thông báo cho phía Liên Xô.

chien-dich-san-tau-ngam-lien-xo-ngoai-khoi-cuba-cua-chien-ham-my-1
Vị trí tàu Liên Xô và Mỹ trong cuộc đối đầu tháng 10/1962. Ảnh:Washington Post.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin cho rằng hải quân Mỹ không hề biết sự nguy hiểm khi chơi trò "mèo vờn chuột" với tàu ngầm Liên Xô. Ngoài 20 ngư lôi thông thường, mỗi tàu ngầm Đề án 641 còn mang theo một ngư lôi T-5 trang bị đầu đạn hạt nhân RDS-9 có tầm bắn 10 km, đủ sức phá hủy nhiều tàu xung quanh bằng sóng xung kích. Việc kích nổ một vũ khí như vậy ở ngoài khơi Bắc Mỹ có thể khơi mào chuỗi phản ứng trả đũa hạt nhân, đẩy thế giới đến nguy cơ hủy diệt.

Bị tàu chiến Mỹ săn lùng, thuyền trưởng Nikolai Shumkov của tàu ngầm B-130 ra lệnh nạp ngư lôi hạt nhân. Tuy nhiên chính trị viên trên tàu phản đối việc tấn công hạt nhân, khiến Shumkov xuống thang nhưng vẫn bảo lưu quyền khai hỏa nếu tiếp tục bị tấn công.

Cuối cùng, khi ắc quy hết điện, tàu ngầm B-130 buộc phải nổi lên ngay trước mặt khu trục hạm USS Blandy vào ngày 30/10. Bị phát hiện trong tình trạng hỏng động cơ, thuyền trưởng tàu ngầm B-130 buộc phải gọi tàu cứu hộ kéo về cảng nhà ở Murmansk.

Trong khi đó, tàu ngầm B-36 gần đó do thuyền trưởng Alexei Dubivko chỉ huy bị tàu khu trục USS Charles P. Cecil truy đuổi ở khoảng cách gần như va chạm nhau. Sau vài ngày chạy trốn trong lòng biển, chiếc B-36 cũng hết ắc quy và buộc phải nổi lên ngày 31/10, sau đó tự di chuyển về Murmansk.

Sự cố nguy hiểm nhất diễn ra vào ngày 27/10, khi tàu ngầm B-59 đang nổi lên để sạc ắc quy. Bị máy bay tuần tra Mỹ phát hiện, chiếc tàu ngầm lặn xuống khi ắc quy chưa được nạp đầy. Hơn 10 tàu khu trục gần đó cũng tham gia truy đuổi B-59 và thả nhiều bom chìm PDC.

"Lúc đó chúng tôi có cảm giác như đang ngồi trong một thùng kim loại và bị ai đó gõ bằng búa. Thủy thủ đoàn rất lo sợ", Vicktor Orlov, sĩ quan liên lạc nhớ lại tình cảnh của chiếc B-59 trước cơn mưa bom PDC dội xuống trong nhiều giờ.

Thuyền trưởng Valentin Savitsky quyết không cho tàu nổi lên, bất chấp việc nhiệt độ trong tàu tăng lên 50 độ C và lượng dưỡng khí giảm nhanh, khiến một số thủy thủ bắt đầu bất tỉnh.

Không thể liên lạc về Moscow, thuyền trưởng Savitsky nhận định chiến tranh đã nổ ra. Ông ra lệnh cho thủy thủ nạp ngư lôi hạt nhân và chuẩn bị khai hỏa vào tàu chiến Mỹ. "Có thể chiến tranh đã nổ ra ở bên ngoài khi chúng ta đang mắc kẹt ở đây. Chúng ta sẽ tấn công họ, hy sinh thân mình để kéo họ chết theo và giữ gìn danh dự hải quân", Savitsky tuyên bố.

Chính trị viên Ivan Maslennikov trên tàu cũng đồng tình với mệnh lệnh này. Thông thường, sự đồng thuận của hai sĩ quan cấp cao nhất này là đủ để tàu ngầm B-59 phóng ngư lôi hạt nhân vào tàu Mỹ. Một cuộc chiến tranh hạt nhân có nguy cơ nổ ra trong tích tắc.

Đúng lúc đó, Vasili Arkhipov, tham mưu trưởng Lữ đoàn tàu ngầm số 69, người cũng có mặt trên tàu B-59 quyết định can thiệp, phản đối đề xuất phóng ngư lôi hạt nhân. Vì Arkhipov là chỉ huy cấp cao trong lữ đoàn, ý kiến của ông có trọng lượng ngang với thuyền trưởng và chính trị viên, khiến một cuộc tranh luận nổ ra gay gắt trong phòng chỉ huy.

Trong khi tranh luận, Arkhipov ra sức trấn an thuyền trưởng Savitsky và cuối cùng thành công trong việc thuyết phục viên chỉ huy này cho tàu ngầm B-59 nổi lên để chờ lệnh từ Moscow.

chien-dich-san-tau-ngam-lien-xo-ngoai-khoi-cuba-cua-chien-ham-my-2
Tàu ngầm B-130 sau khi phải nổi lên mặt nước. Ảnh:Wikipedia.

Ngay khi nổi lên mặt nước, B-59 bị khu trục hạm Mỹ chiếu đèn pha. Các trực thăng, máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Randolph nhiều lần áp sát tàu B-59 ở tầm thấp và bắn cảnh cáo cạnh tàu ngầm. Bị các tàu chiến Mỹ áp sát, tàu ngầm B-59 đổi hướng, quay về cảng nhà.

Trong 4 tàu ngầm tham gia chiến dịch Kama, chỉ có chiếc B-4 của thuyền trưởng Rurik Ketov tránh việc bị tàu chiến Mỹ ép phải nổi lên. Dù bị máy bay Mỹ phát hiện, ắc quy của tàu đã nạp đủ năng lượng để ẩn mình trong đại dương, thoát khỏi tầm theo dõi của hạm đội Mỹ. Tuy nhiên, chiếc B-4 cuối cùng cũng được lệnh hủy nhiệm vụ.

Ngày 28/10/1962, Tổng thống Kennedy thực hiện một thỏa thuận bí mật với lãnh đạo Liên Xô, đồng ý rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết không xâm lược Cuba, đổi lại việc Liên Xô rút vũ khí hạt nhân khỏi Cuba, chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử.

Chuyên đề