Vốn đầu tư dự án cầu Đồng Nai tăng từ 2.005 tỷ đồng lên 3.141,6 tỷ đồng, tức tăng hơn 1.100 tỷ đồng. |
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố “Báo cáo kiểm toán hoạt động, xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa theo hình thức hợp đồng BOT”. Dự án do Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 – 2 – 3 được điều chỉnh lần cuối là 2.202 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư gồm cả giai đoạn 4 là 3.141 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án đã qua 4 lần điều chỉnh bổ sung hạng mục ngoài hợp đồng đã ký kết ban đầu, hoặc do phát sinh các yếu tố mới làm thay đổi phương án tổ chức giao thông… Các lần điều chỉnh đã làm tăng giá trị đầu tư so với phê duyệt ban đầu tới 56,65% (tăng từ 2.005 tỷ đồng lên 3.141,6 tỷ đồng, tức tăng hơn 1.100 tỷ đồng).
Dự án còn để xảy ra tình trạng chưa chính xác trong tính toán khối lượng thiết kế, áp dụng định mức, đơn giá dự toán. Một số hạng mục phát sinh chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian dự kiến ban đầu là 24 tháng (hoàn thành tháng 6/2010) tuy nhiên do không giải phóng được mặt bằng và liên tục điều chỉnh, bổ sung hạng mục, đến tận tháng 3/2015 (chậm tiến độ gần 5 năm), dự án mới hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác, thu phí hoàn vốn.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số hạng mục công trình nghiệm thu khối lượng còn sai sót, áp dụng định mức, đơn giá một số công việc chưa phù hợp; phát sinh chi phí quản lý dự án nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với kết quả giảm trừ gần 29 tỷ đồng.
Về công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với một số hạng mục đầu tư. Kiểm toán Nhà nước cho biết Bộ Giao thông Vận tải chưa kiểm tra số liệu thu chi định kỳ hàng năm, trong khi đó chủ đầu tư tính toán phương án tài chính, một số chỉ tiêu tài chính chưa chặt chẽ và sát thực tế, dẫn đến việc tính toán thời gian hoàn vốn là 18 năm 4 tháng 10 ngày là chưa phù hợp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, các bất cập trong hợp đồng BOT là chưa xây dựng khung định mức chi phí quản lý thu phí để làm cơ sở ký kết hợp đồng BOT gây khó khăn trong quá trình quản lý, kiểm tra cơ sở tính toán để xác định chi phí này. Lãi suất trong thời gian khai thác đối với phần vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án chưa được cập nhật kịp thời theo lãi suất thực tế để điều chỉnh thời gian thu phí dẫn đến chi phí vốn đầu tư chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn của dự án.
Các văn bản pháp lý về các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa quy định rõ khung lợi nhuận và thời điểm chia lợi nhuận bảo toàn vốn của nhà đầu tư.
Từ các kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính các hạng mục đầu tư giai đoạn 1-2- 3 (Phục lục hợp đồng BOT số 18) số tiền 131 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính các hạng mục đầu tư giai đoạn 4 (chưa ký hợp đồng BOT) là 25,7 tỷ đồng. Trong đó, Ban quản lý dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu giảm giá trị thanh toán 5,8 tỷ đồng; giảm thuế VAT được hoàn 436 triệu đồng; chưa đủ điều kiện thanh toán 19,8 tỷ đồng.