Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý hôm qua cho thấy hầu hết người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha, chiếm 90% số phiếu được kiểm. Cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý, khi bị tòa án hiến pháp Tây Ban Nha cùng Madrid phản đối vì đi ngược lại hiến pháp năm 1978.
Giới chuyên gia nhận định kết quả trưng cầu dân ý này có nguy cơ đẩy Tây Ban Nha vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1975. Nó diễn ra trong bối cảnh nước này chỉ vừa thoát khỏi gần một thập kỷ khó khăn kinh tế. Cuộc trưng dầu dân ý thậm chí còn ảnh hưởng lên nền kinh tế cả châu Âu.
Vị trí vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Đồ họa:BBC
Catalonia có dân số khoảng 7,5 triệu người và là khu vực có năng suất kinh tế lớn nhất Tây Ban Nha, đóng góp gần một phần năm GDP và 25% hàng xuất khẩu cho nước này. Catalonia cũng đóng nhiều thuế hơn là phần nhận được từ Chính phủ. Khu vực này nộp tới 21% thuế cả nước.
Những người muốn tách ra không hài lòng với sự mất cân bằng này. Họ cho rằng nếu ngừng đưa tiền cho Madrid, ngân sách của Catalonia sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư.
Catalonia từ lâu đã thu hút đầu tư, với gần một phần ba công ty nước ngoài sang Tây Ban Nha đều chọn Barcelona - thủ phủ của Catalonia để xây văn phòng. Các hãng xe Volkswagen và Nissan đều có nhà máy gần Barcelona.
Dù vậy, nếu tách riêng, khu vực này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc mất quyền thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Nếu Catalonia tự nộp đơn vào EU, họ sẽ phải thuyết phục được các thành viên hiện tại đồng ý, trong đó có Tây Ban Nha.
"Chúng tôi không nhận thấy tính khả thi cao trong việc Catalonia tách thành nước độc lập và là thành viên EU như phần lớn người ủng hộ mong muốn", các nhà kinh tế học tại Berenberg Bank nhận xét.
Nông dân lái máy kéo trên đường phố Barcelona ủng hộ Catalonia tách riêng. Ảnh:Reuters
Rời khỏi khối này cũng có thể khiến chi phí xuất khẩu của Catalonia sang các nước khác cao hơn. "Họ sẽ nằm trong nhóm nước nhỏ không thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tức là phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại lớn", Stephen Brown - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận xét. Brown cho biết động thái này cũng sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu vào Catalonia và gây ra mất việc làm.
Độc lập còn có thể khiến họ phải đi vay với lãi suất cao hơn. Các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn là Moody’s và S&P đều đã hạ tín nhiệm Catalonia năm 2016. Bên cạnh đó, khu vực này cũng sẽ vẫn dùng đồng euro, nhưng khó có chỗ trong Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Với Tây Ban Nha, việc tách ra sẽ càng khiến tài chính nước này đi xuống và tăng bất ổn. Nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, khu vực này có thể từ chối chịu trách nhiệm với phần nợ quốc gia đang gánh. "Dù kinh tế Tây Ban Nha đến nay chưa chịu ảnh hưởng lớn, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp cũng sẽ duy giảm nếu Catalonia tách ra", ông Brown nhận xét.
Giới đầu tư cũng có quan điểm trái chiều về vấn đề này. "Cũng như Brexit, chúng tôi cho rằng Catalexit sẽ đẩy khu vực này vào thời kỳ bất ổn dài, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực tư nhân", Geoffrey Minne - nhà kinh tế học tại ING dự báo. Kathleen Brooks - giám đốc nghiên cứu tại City Index thì ước tính đồng euro giảm 5% sau cuộc trưng cầu dân ý.
Dù vậy, một số lại cho rằng kết quả chọn rời đi cũng chưa chắc khiến Catalonia tách ra. "Chính quyền Catalonia sẽ dùng kết quả này để tăng vị thế trong các cuộc đàm phán sau này với Chính phủ Tây Ban Nha", Laurence Allan - nhà phân tích tại IHS Markit dự báo.