Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đã đến lúc cần thành lập tổ công tác đặc nhiệm về các hoạt động này.
Thưa bà, số lượng DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường dường như đang gia tăng. Đây có phải là tín hiệu cho thấy DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn?
Có thể thấy xu hướng khó khăn của DN đã và đang thể hiện rõ trong mấy năm gần đây, con số DN đóng cửa tăng hàng năm, và tới năm 2015 thì đạt “kỷ lục” với trên 80.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Bên cạnh đó, nhiều DN Việt cũng rút khỏi thị trường thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập. Đa phần là những DN đã thành công, có thương hiệu và có sản phẩm tốt, có vị thế đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Điều này cho thấy, không chỉ những DN quy mô nhỏ, yếu thế không cạnh tranh được, mà ngay cả DN tương đối thành công cũng rút khỏi thị trường. Tôi cho rằng rất cần nghiêm túc xem xét đánh giá hiện tượng này, bởi nó cho thấy niềm tin của DN vào MTKD đang có dấu hiệu giảm sút.
Việc số DN rút khỏi thị trường tăng lên liên tục thể hiện niềm tin của DN vào MTKD giảm sút bất chấp nỗ lực cải thiện MTKD của Chính phủ. Có một thực tế đáng buồn là, mặc dù 2 nghị quyết 19 (NQ 19) đưa ra được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá rất cao, song quá trình thực thi èo uột khiến mục tiêu đặt ra không đạt được, khó khăn của DN không giảm, mà thậm chí còn tăng lên.
Một ví dụ rõ ràng là qua thực hiện NQ 19, số giờ nộp thuế có giảm đi, song gánh nặng thuế, phí vẫn tăng lên. Đối với DN, tất cả đều là chi phí nên dù có giảm về thủ tục mà tăng chi phí thì cũng không có ý nghĩa gì. Gần đây cơ quan của Quốc hội có đưa ra con số hơn 9.600 loại phí và cho rằng quá nhiều, cần phải rà soát giảm đi, song thực tế giảm được bao nhiêu thì chưa thấy kết quả cụ thể. Thuế, phí chủ yếu đánh vào DN và lan tỏa tới toàn bộ người dân, từ đó tạo ra nhận xét MTKD chưa được cải thiện. Mặt khác, trong Nghị quyết hàng năm của Chính phủ, mục tiêu thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho DN. Song từ năm này sang năm khác vẫn tiếp tục phải tháo gỡ, chứng tỏ MTKD chưa được cải thiện một cách cơ bản.
Điều này cho thấy, chủ trương và nỗ lực của Chính phủ là đúng đắn, nhưng khâu triển khai ở các cấp bên dưới đang có vấn đề?
Tôi e là đúng vậy! Tình trạng DN rút lui khỏi thị trường liên tục dường như vẫn không đủ để đánh động cảm xúc của các cơ quan, ban ngành địa phương.
Tôi được biết gần đây có lần Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi về Hải Phòng để tìm hiểu tình hình thực tế triển khai thực hiện NQ 19, sau khi trực tiếp nắm bắt được khó khăn bức xúc của DN đã quay lại trao đổi với lãnh đạo chính quyền Hải Phòng. Một đồng chí Phó Chủ tịch thẳng thắn thừa nhận, cán bộ công chức chúng tôi có 3 bệnh. Thứ nhất là bệnh bốn chân, lúc nào cũng bám vào chân bàn, không đi sâu sát vào cuộc sống thực tế. Thứ hai là bệnh sợ trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm gì, vì làm có thể sai và phải chịu trách nhiệm nên không làm thì an toàn hơn. Và thứ 3 là bệnh vô cảm.
Mặt khác, cũng cần phải thẳng thắn xem xét lại tình trạng luật đã ban hành rồi mà việc thực thi ở các cấp vẫn không đầy đủ, thậm chí còn đi ngược với chủ trương chính sách đã ban hành. Tình trạng nợ đọng các văn bản thực thi, các văn bản dưới luật ban hành ra trái với luật gần như vẫn không thuyên giảm, hay cơ quan bộ, ngành được Chính phủ giao cho trách nhiệm rà soát, đối chiếu văn bản thực tế kêu đã rà soát hết văn bản nọ kia song rút cục cũng chỉ “thổi còi” được đến thế, mà không có động thái khắc phục và ngăn chặn. Như vậy là cơ quan nhà nước vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Vậy theo bà, vấn đề cốt tử đặt ra trong cải cách cần là nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cụ thể?
Tôi cho rằng rất cần nghiêm túc xem lại. Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình phải được đề cao. Thể chế, chính sách luật pháp phải làm rõ, đưa ra quy định và thực hiện phải như nhau giữa xã hội, người dân, DN và các cấp, các ngành, không tạo ra kẽ hở cho sự tùy tiện theo ý chí riêng của công chức trong thực hiện. Hệ thống cơ chế luật pháp phải đưa ra điều luật bắt buộc thi hành đối với tất cả mọi người, và quy trách nhiệm rõ người chịu trách nhiệm. Có như vậy thì mới tăng được mức độ hiệu lực của các quyết sách, hiệu quả hoạt động của bộ máy và nâng cao trách nhiệm của cơ quan thực thi.
Bà có kỳ vọng nào về những chuyển biến trong môi trường kinh doanh sau cuộc gặp của tân Thủ tướng với DN?
Điều này tùy thuộc nhiều vào việc Thủ tướng nghe được đến đâu và có những quyết định có tác động thi hành ngay ở mức độ nào. Và điều quan trọng là những kiến nghị giải quyết khó khăn mà DN đề đạt cần được đưa vào NQ 19 mà Thủ tướng đang chỉ thị các cơ quan chuẩn bị ban hành và được triển khai ngay trên thực tế thông qua cơ chế thi hành thật mạnh. Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cần làm rõ mức độ thực hiện, trách nhiệm giải trình cụ thể và có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Cần tuyên bố thành lập tổ đặc nhiệm được giao đặc quyền để tiến hành giám sát thực hiện, theo đó, tổ này được phép đưa thẳng các vấn đề nóng bỏng ra xã hội, công khai những người làm sai dù là ở cấp nào.
Bên cạnh đó, NQ 19 sắp ban hành cần tập trung ngăn chặn tình trạng lạm quyền thông qua cơ chế kiểm soát quyền lực; chống thu vô tội vạ thông qua cơ chế kiểm soát việc thu qua giá cả và thu thuế, phí, nhất là trong những lĩnh vực Nhà nước kiểm soát như điện, xăng dầu, dịch vụ công… Có như vậy thì niềm tin của DN mới thực sự được tạo dựng và củng cố.