Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Ngày 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Bộ và sự cố gắng của toàn ngành nông nghiệp trong thời gian qua.
Trước hết, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tập trung xây dựng, đổi mới thể chế, chính sách và cơ chế liên quan tới phát triển, chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, Bộ đã hoàn thiện nghị định về phân bón, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý vấn đề Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng như nhiều văn bản liên quan tới luật, nghị định về đầu tư, kinh doanh. Bộ NN&PTNT đã xác định xây dựng thể chế là mục tiêu hàng đầu, trực tiếp do Bộ trưởng chỉ đạo và đạt thành công lớn.
Tiếp đến, một kết quả nổi trội được Thủ tướng ghi nhận là kết quả tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục đổi mới tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp. Minh chứng rõ nét là 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu không có gì thay đổi, biến động lớn thì kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt con số mà Bộ trưởng đã hứa là 34-35 tỷ USD. Bộ cũng đã tích cực tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu như vừa qua, thịt gà Việt nam đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (một thị trường có yêu cầu rất cao) hay nhiều loại hoa quả cũng đã lần đầu được xuất khẩu sang các nước.
Bên cạnh đó, những tham mưu của Bộ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cácnội dung lớn trong thời gian qua như việc tổ chức các hội nghị về gạo, biến đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, về bảo vệ rừng… đã được đánh giá rất cao về quy mô, chất lượng, hiệu quả và có tác động rất lớn.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động khắc phục hậu quả thiên tai của Bộ NN&PTNT. Trước sức tàn phá rất lớn của các cơn bão đi vào nước ta trong thời gian qua, tinh thần chủ động tham mưu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng như các chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo ngành nông nghiệp đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.
“Bộ trưởng thường xuyên có những buổi làm việc đột xuất với VPCP, phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề, tổ chức các sự kiện với quy mô lớn, đề xuất cách xử lý vướng mắc, xung đột giữa các bộ, tạo sự đồng thuận”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao việc Bộ NN&PTNT đã chủ động cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, từ 345 điều kiện, Bộ đề xuất bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện, còn 227 điều kiện sẽ tiếp tục xem xét.
Công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ cũng đã có chuyển biến rõ nét, thể hiện sự cầu thị, cởi mở, quyết tâm. Theo Tổ trưởng Tổ công tác, đây là sự chuyển đổi từ tư tưởng nhận thức. Bộ NN&PTNT đã làm rất bài bản.
Thủ tướng lưu ý Bộ hàng loạt vấn đề
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ NN&PTNT cần hết sức quan tâm một số vấn đề.
Trước tiên, từ năm 2016, Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu cấm chặt phá rừng. Tuy nhiên, vấn đề quản lý rừng tự nhiên, cháy rừng, đất lâm nghiệp… còn nhiều bất cập, cần có sự quan tâm hơn nữa, cùng với địa phương bảo vệ, quản lý và sử dụng thật tốt diện tích rừng này. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ NN&PTNT chấn chỉnh việc đánh bắt cá hủy diệt như đánh mìn, điện và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp căn cơ, lâu dài để làm chặt chẽ việc này.
Liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông và đoàn công tác đã đi khảo sát trực tiếp tại các cửa khẩu, từ đó cho thấy những bất cập liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là tình trạng chồng chéo, một mặt hàng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, dẫn đến kiểm tra trùng lặp. Thậm chí, nhiều mặt hàng phải chịu các hình thức quản lý, kiểm tra khác nhau của nhiều đơn vị của Bộ. Như kén tằm, côn trùng vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm dịch thực vật. Một số sản phẩm khác cũng “chịu chung số phận” như động vật tươi sống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm thủy sản…
Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm cũng được Tổ công tác điểm tên là phải chịu kiểm tra chuyên ngành của hai hay nhiều bộ, ngành khác nhau như nhóm mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa; sữa chua, sữa bột, phô mai; thức ăn gia súc; nguyên liệu làm bánh kẹo có nguồn gốc động vật; men sống; cà phê, ca cao, ngũ cốc; máy kéo nông nghiệp…
Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo này, Bộ NN&PTNT công bố với báo chí, doanh nghiệp, người dân để biết “từ nay trở đi cái gì bỏ, cái gì không bỏ, cái gì tiếp tục rà soát sửa đổi”.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa hiện nay đang chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Theo đó, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì quản lý kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra.
Vấn đề thứ hai là danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có mã HS, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, dẫn đến phạm vi hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành rộng, chồng chéo… Hiện nay Bộ đã ban hành được 645 quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam; còn 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam chưa ban hành. Tổ công tác đề nghị Bộ trưởng rà soát, ban hành văn bản hợp nhất các danh mục để thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan; ban hành danh mục phải có mã số HS phù hợp; khẩn trương ban hành 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam, hoàn thành trong năm 2018.
Đối với những vướng mắc về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, Nghị định 39/2017/NĐ-CP (do Bộ NN&PTNT xây dựng, trình ban hành) có những điều khoản quy định không rõ ràng, khó khăn khi thực hiện, không áp dụng quản lý rủi ro, vẫn kiểm tra tất cả các lô hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Danh mục thủy sản thuộc diện quản lý chuyên ngành được quy định tại nhiều văn bản, trùng lắp về hàng hóa nhưng không thống nhất về số lượng, tên hàng. Từ đó, Tổ công tác đề nghị Bộ rà soát, hợp nhất, chuẩn hóa các danh mục thủy sản để doanh nghiệp và cơ quan hải quan thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng.
Hiện tại, tổng số thủ tục hành chính sẽ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia là 26 thủ tục. Đến nay, Bộ đã chính thức thực hiện 11, như vậy còn 15 thủ tục nữa. Tổ công tác đề nghị Bộ khẩn trương kết nối, thực hiện trên Cơ chế 15 thủ tục còn lại theo kế hoạch đã đăng ký.