Bản tin thời sự sáng 17/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ban Tổ chức Trung ương lưu ý về việc kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới người không đảm bảo tiêu chuẩn, chính thức phát hành hồ sơ mời thầu 5 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam, đưa giáo viên mầm non vào gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng…

Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới người không đảm bảo tiêu chuẩn

Đại biểu bỏ phiếu bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (Đăk Lăk) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh minh hoạ.

Đại biểu bỏ phiếu bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (Đăk Lăk) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh minh hoạ.

Ban Tổ chức Trung ương vừa có Công văn số 11849-CV/BTCTW gửi ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc rút kinh nghiệm qua đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Để tiếp tục tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương lưu ý một số vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Cụ thể là: Các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung, yêu cầu Chỉ thị 35, tư tưởng chỉ đạo trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ và bài viết về chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp để kịp thời rút kinh nghiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp...

Trong công tác nhân sự đại hội phải đặc biệt coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện là chính, đồng thời đánh giá chính xác cán bộ cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và kết quả công tác thông qua các sản phẩm cụ thể; đồng thời, phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện nhất quán, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quyết định theo đa số.

Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, lắng nghe phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Chính thức phát hành hồ sơ mời thầu 5 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam

Ngày 16/7, Bộ GTVT chính thức phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư cho 5 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến, tháng 10 tới sẽ có kết quả đấu thầu.

Chính thức phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư cho 5 đoạn BOT cao tốc Bắc Nam

Chính thức phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư cho 5 đoạn BOT cao tốc Bắc Nam

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau khi trải qua quá trình sơ tuyển hồ sơ, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đấu thầu. Dự kiến, tháng 10 tới Bộ GTVT sẽ mở thầu, khi đó sẽ biết nhà đầu tư nào trúng thầu.

Theo ông Nhật, hiện 5 đoạn kêu gọi đầu tư BOT đều giải phóng mặt bằng đật khoảng 80 - 85%, đủ điều kiện có thể khởi công ngay. Dự kiến mặt bằng sạch toàn bộ sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Nếu thuận lợi, tìm được nhà đầu tư và huy động được tín dụng, các dự án có thể khởi công vào nửa đầu năm 2021.

Các đoạn cao tốc kêu gọi nhà đầu tư BOT gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tổng số vốn các nhà đầu tư phải huy động cho 5 dự án này hơn 22.355 tỷ đồng.

Tới nay, 5 đoạn cao tốc trên đều có từ 2 nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ, sẽ bước vào giai đoạn đấu thầu.

Sẽ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến cuối tháng 12/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với đơn vị, người lao động gặp khó khăn đến hết tháng 12/2020.

Cán bộ BHXH TP.Hà Nội hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ BHXH.

Cán bộ BHXH TP.Hà Nội hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ BHXH.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 về phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng với đơn vị, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trước mắt là đến hết tháng 12/2020.

Đồng thời, cần phải tập trung vào một số nội dung khác như: Các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay…

Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Sau thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp tiếp tục đóng bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.

Đưa giáo viên mầm non vào gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Ước tính 30.000 giáo viên mầm non tư thục sẽ được hỗ trợ 5,4 triệu đồng trong ba tháng từ gói an sinh xã hội do tác động của Covid-19.

Giáo viên mầm non ở Hà Nội tổng vệ sinh ngày 8/5 để đón trẻ trở lại trường.

Giáo viên mầm non ở Hà Nội tổng vệ sinh ngày 8/5 để đón trẻ trở lại trường.

Ngày 16/7, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, Bộ đã hoàn thiện tờ trình Chính phủ đề nghị đưa nhóm giáo viên mầm non tư thục vào diện thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng. Đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề khi các trường tư không có nguồn thu trong mấy tháng nghỉ dịch. Các bậc học cao hơn vẫn có nguồn thu học phí, dạy học online. Bộ đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp số liệu và đánh giá tác động của Covid-19 đến nhóm này.

Hiện một số địa phương đã chủ động hỗ trợ nhóm giáo viên tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch. Huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã trích nguồn quỹ chống dịch hỗ trợ 432 giáo viên, mỗi người 500.000 đồng trong ba tháng liên tiếp, tổng kinh phí 648 triệu đồng.

Trong tờ trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay trả lương lao động ngừng việc. Theo quy định, doanh nghiệp muốn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội phải đáp ứng các tiêu chí: có từ 20% hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ 1/4 đến hết 30/6/2020. Nếu được thông qua, doanh nghiệp có người lao động phải ngừng việc từ 1/1 đến hết 31/12/2020 sẽ được vay vốn để trả lương.

Sau hơn hai tháng thực hiện, gói 62.000 tỷ giải ngân được hơn 11.267 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6. Tỷ lệ giải ngân đạt 17% toàn gói. Các địa phương phê duyệt 15,8 triệu người thuộc các nhóm được thụ hưởng với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, 10,8 triệu người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận hỗ trợ gần 11.100 tỷ đồng. Việc chi trả cho các nhóm này đã xong.

Đường bay Hà Nội - TP.HCM: Tối đa 5 phút một chuyến

Cục Hàng không cho biết, trong thời gian sửa chữa 2 sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sẽ chỉ cấp phép tối đa 5 phút 1 chuyến trên đường bay Hà Nội - TP.HCM.

Cục Hàng không quyết tâm mạnh tay điều phối giờ bay của các hãng trong thời gian sửa 2 sân bay lớn nhất nước để giảm tình trạng chậm, huỷ chuyến thời gian qua.

Cục Hàng không quyết tâm mạnh tay điều phối giờ bay của các hãng trong thời gian sửa 2 sân bay lớn nhất nước để giảm tình trạng chậm, huỷ chuyến thời gian qua.

Cục Hàng không vừa có văn bản gửi các hãng hàng không và đơn vị liên quan về điều phối giờ cất/hạ cánh (slot) tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong thời gian 2 sân bay sửa chữa.

Theo đó, từ ngày 16/7, Cục Hàng không sẽ không xác nhận slot tập trung vào một thời điểm; điều phối theo các khoảng thời gian 15 phút (đảm bảo không quá 8 chuyến đối với Tân Sơn Nhất, tối đa 6/7 chuyến đối với Nội Bài); điều phối đường bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại theo nguyên tắc 5 phút 1 chuyến.

Đối với việc quay đầu tàu bay (để bay chuyến khác), trong giai đoạn sửa chữa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các hãng phải xếp lịch quay đầu tàu bay tối thiểu 1 tiếng với tàu bay thân rộng (A350/B787) và 50 phút đối với tàu bay thân hẹp (A320/A321/ATR72). Cục Hàng không sẽ không xác nhận slot nếu các hãng không đáp ứng được yêu cầu này.

Cục Hàng không cũng khẳng định, sẽ hủy phép bay, thu hồi slot nếu phát hiện các hãng hàng không cố ý khai thác không đúng với slot được xác nhận và phép bay được cấp.

Chuyên đề