Bản tin thời sự sáng 11/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị chưa xử phạt phương tiện quá hạn đăng kiểm; kiểm dịch y tế tại cửa khẩu chặn bệnh truyền nhiễm; chưa tăng thuế sử dụng đất, chuyển nhượng nhà thứ hai ở TP.HCM; Hà Nội sắp tăng giá nước sạch; Thanh tra Chính phủ nêu nhiều sai phạm về quản lý đất tại Cà Mau…

Kiến nghị chưa xử phạt phương tiện quá hạn đăng kiểm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử phạt phương tiện quá hạn đăng kiểm, để người dân tiếp tục đi kiểm định trong 15 ngày.

Ùn tắc trước Trạm đăng kiểm 2906V tại Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội

Ùn tắc trước Trạm đăng kiểm 2906V tại Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội

Đây là một trong những giải pháp được Bộ GTVT trình Chính phủ để giảm ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Trong 15 ngày này, các xe chờ kiểm định không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.

Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô.

Theo Bộ GTVT, thay vì quy định mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, chỉ cần quy định bố trí tối thiểu 1 đăng kiểm viên nhằm khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm.

Quy định hiện hành yêu cầu một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày. Bộ đề xuất mỗi dây chuyền được kiểm định không giới hạn công suất. Các đơn vị đã bị đình chỉ hoạt động (từ một tháng đến ba tháng) có thể mở lại nếu đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.

Theo quy định, đăng kiểm viên phải có 12 tháng thực tập, thi cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu nhân sự, Bộ GTVT đề xuất tiếp nhận nhân viên có kinh nghiệm tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, thực tập nghiệp vụ đăng kiểm từ 3 đến 9 tháng là được cấp chứng chỉ.

Cấp lại giấy chứng nhận cho những đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ cũng là giải pháp Bộ đề nghị để bổ sung nhân lực. Đồng thời, cơ quan đăng kiểm được sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới.

Hiện nay, tình trạng ùn tắc đăng kiểm tiếp tục gia tăng do thiếu hụt trầm trọng đăng kiểm viên. Chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí phải đi xa, sang các tỉnh lân cận.

Lượng xe đến hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội là 68.690 xe, khả năng các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Tương tự tại TP.HCM, với số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 dự kiến là 44.350 xe, khả năng đáp ứng chỉ 49% nhu cầu.

Kiểm dịch y tế tại cửa khẩu chặn bệnh truyền nhiễm

Ngày 10/3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới chặn Covid-19 cùng nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới bùng phát.

Kiểm dịch y tế để kiểm soát dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài thời kỳ bùng dịch. Ảnh minh họa

Kiểm dịch y tế để kiểm soát dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài thời kỳ bùng dịch. Ảnh minh họa

Yêu cầu trên được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp; các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác được ghi nhận như bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải; đậu mùa khỉ ở châu Mỹ và châu Âu. Trong tháng 2, dịch bệnh Marburg bùng phát tại Guinea xích đạo khiến 9 trường hợp tử vong. Ngoài ra, Campuchia ghi nhận ca mắc, tử vong do cúm H5N1 trên người.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, tuần qua số ca mắc mới dưới 20, có ngày chỉ 4 ca. Còn các dịch bệnh khác cơ bản chưa phát hiện, trừ vài ca đậu mùa khỉ, cúm H5N1 cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở, nguy cơ xâm nhập bệnh là rất lớn.

Để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có biện pháp giám sát tại cửa khẩu, rà soát kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại cửa khẩu. Bộ Y tế đề nghị địa phương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tập huấn cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế.

Chưa tăng thuế sử dụng đất, chuyển nhượng nhà thứ hai ở TP.HCM

TP.HCM chưa thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thứ hai trở lên.

Bất động sản, chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1

Bất động sản, chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1

Trong các kiến nghị đưa ra cuối năm 2022 và đầu năm nay để sửa đổi Nghị quyết 54 về một số cơ chế đặc thù, TP.HCM đề xuất thu thuế nhà, đất thứ hai; tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở; tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thứ hai trở lên.

Nhưng tại bản dự thảo mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tư pháp thẩm định, các chính sách này đều được bỏ.

Tuần trước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khi góp ý kiến với Thành phố cũng đề nghị không thí điểm các chính sách này trong hai năm tới. Lý do là thực hiện lúc này có thể dồn thêm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập các hộ gia đình, cá nhân giảm.

Trong góp ý trước đó, Bộ Tài chính cũng phản đối việc đánh thuế với nhà ở, đất ở thứ 2 vì lo ngại không đảm bảo công bằng trong nhiều trường hợp. Thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế sẽ có trường hợp bất động sản có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế, và ngược lại. Do đó, nếu áp dụng sẽ không đáp ứng mục tiêu chính sách thuế là điều tiết hợp lý thu nhập của người sở hữu nhiều nhà, đất.

Dù chưa thí điểm các chính sách thuế với bất động sản thời gian tới, nhưng TP.HCM có thể được thí điểm nhiều cơ chế đặc thù khác về tài chính ngân sách. Việc này nhằm giúp Thành phố huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục.

Hà Nội sắp tăng giá nước sạch

Người dân nội thành Hà Nội nếu dùng 10 m3 nước sạch đầu tiên sẽ phải chi khoảng 75.000 đồng, tăng 15.000 đồng so với hiện nay.

Cư dân chung cư Hateco Apollo Xuân Phương mang dụng cụ lấy nước từ xe téc khi Nhà máy Nước sông Đà tạm ngưng cấp nước

Cư dân chung cư Hateco Apollo Xuân Phương mang dụng cụ lấy nước từ xe téc khi Nhà máy Nước sông Đà tạm ngưng cấp nước

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng cho biết, năm 2023 - 2024 sẽ tăng giá nước sạch, nhưng không đề cập mức tăng dự kiến với từng khối lượng nước, chỉ nêu 10 m3 đầu tiên ở nội thành. Với nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mức giá nước tăng khoảng 20%.

Ông Sáng giải thích, chi phí cấu thành giá nước sạch đều tăng như tiền lương nhân công, điện năng, nguyên, nhiên liệu. Điều chỉnh giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát, thu hút nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.

Hiện giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, đơn giá 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 và giá cao nhất là 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (áp dụng từ 1/10/2015).

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều sai phạm về quản lý đất tại Cà Mau

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Cà Mau đã cấp 780 sổ đỏ cho các hộ dân tại Dự án Khu đô thị Đông Bắc khi chưa đủ điều kiện, có nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Nhiều sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau

Nhiều sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau

Ngày 10/3, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và các vấn đề khác liên quan đất đai tại tỉnh Cà Mau.

Theo kết luận, các đơn vị cấp 780 sổ đỏ cho các hộ dân tại Dự án Khu đô thị Đông Bắc khi chưa đủ điều kiện, thủ tục; cấp sổ lần đầu không xác định rõ căn cứ pháp lý để được cấp theo quy định.

Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm khác ở Cà Mau như triển khai công trình, dự án đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều dự án không phù hợp với tình hình thực tế nên phải dừng đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư nộp tiền ký quỹ đảm bảo đầu tư. Việc này dẫn đến 14 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa nộp tiền ký quỹ hơn 62 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc định đơn giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của ba dự án đầu tư, trồng rừng làm sai quy định về bảng giá đất, với tổng số tiền vi phạm hơn 34 tỷ đồng. Riêng Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hành chính và công trình công cộng cửa ngõ Đông Bắc TP. Cà Mau, do xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất trái quy định đã gây thất thoát hơn 5 tỷ đồng.

Với việc thất thoát này, Công an Cà Mau đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận thanh tra, việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau có sai phạm. Cụ thể, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có nhiều vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ quy hoạch, giao đất, xây dựng công trình...

Từ đó, Thanh tra kiến nghị tổ chức kiểm tra, rà soát việc triển khai dự án này của Mường Thanh.

Khánh thành dự án thuỷ lợi hơn 1.600 tỷ đồng ở vùng khô hạn Đắk Lắk

Công trình hồ chứa nước Ea H’leo 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Công trình hồ chứa nước Ea H’leo 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng

Công trình hồ chứa nước Ea H’leo 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng

Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo 1 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2017, với dung tích thiết kế 26 triệu m3. Công trình do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN&PTNT) làm đại diện chủ đầu tư.

Đây là công trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên có đập ngăn sông tạo hồ chứa được thiết kế là đập bê tông trọng lực, sử dụng phụ gia tro bay.

Các địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ công trình gồm các xã Ea H’leo, Ea Ral và Ea Sol, nằm ở phía Bắc của huyện Ea H’leo. Khu vực này thường xuyên bị khô hạn, cây trồng rất khó phát triển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân.

Hồ thuỷ lợi này sẽ điều tiết nước sông Ea H’leo nhằm cấp nước tưới cho 5.000 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 người dân trong vùng dự án, cấp nước công nghiệp với lưu lượng nước 15.000 m3/ngày đêm và nước phục vụ chăn nuôi 1 triệu m3/năm. Bên cạnh đó, góp phần điều tiết lũ cho vùng hạ du vào mùa mưa lũ.

TP.HCM hết đất xây nhà lưu trú công nhân

Khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM không còn quỹ đất để xây nhà lưu trú công nhân, trong khi số nhà hiện hữu chỉ đáp ứng 15% nhu cầu.

Dự án nhà lưu trú công nhân của Công ty Thiên Phát ở TP. Thủ Đức gặp nhiều khó khăn nên chưa thể xây dựng

Dự án nhà lưu trú công nhân của Công ty Thiên Phát ở TP. Thủ Đức gặp nhiều khó khăn nên chưa thể xây dựng

Thông tin trên được ông Phạm Thanh Trực, Phó ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và công bố kế hoạch 10 năm tới.

Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 280.000 lao động, trong đó trên 60% là người ngoại tỉnh. Đến nay, HEPZA đã xây 16 công trình nhà lưu trú công nhân, đáp ứng gần 21.000 chỗ ở. Tuy nhiên, số công trình này chỉ đáp ứng 15% nhu cầu. Trong đó, cả giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố chỉ có một dự án nhà lưu trú công nhân rộng 7 ha với 1.449 phòng, đáp ứng 7.600 chỗ ở tại Khu công nghiệp Đông Nam.

Theo ông Trực, khó khăn lớn nhất của HEPZA là không còn quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch xây nhà lưu trú công nhân, cũng như các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động ngay trong ranh khu chế xuất, khu công nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng mất rất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư do quy trình, thủ tục phức tạp. Đơn cử, Khu chế xuất Tân Thuận có 8.000 m2 đang điều chỉnh quy hoạch thành nhà lưu trú công nhân nhưng còn nhiều vướng mắc.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 500.000 m2 sàn nhà ở cho thuê, với khoảng 7.000 căn hộ; nhà lưu trú công nhân tăng 220.000 m2, khoảng 4.500 căn hộ. 5 năm tiếp theo, TP.HCM muốn tăng thêm 816.000 m2 nhà cho thuê với 11.600 căn hộ; và 480.000 m2 nhà lưu trú công nhân với 8.000 căn hộ.

Chuyên đề