Bản tin thời sự sáng 11/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thu hồi toàn bộ tiền nâng khống trong vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai; giá xăng tăng thêm 550 - 660 đồng/lít, cao nhất trong 7 năm; trận Việt Nam - Nhật Bản, kiểm soát cổ động viên vào sân Mỹ Đình qua thẻ căn cước công dân; kiểm soát người ra vào Quảng Ninh bằng “hành trình không chạm”; khoảng 157.000 tỷ đầu tư các dự án đường thuỷ 10 năm tới…

Thu hồi toàn bộ tiền nâng khống trong vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai

Bộ Công an đã thu hồi toàn bộ hơn 10,5 tỷ đồng tiền bị nâng khống của 637 ca phẫu thuật sọ não ở Bệnh viện Bạch Mai, đang tìm bệnh nhân liên quan.

Robot Rosa trong một lần được sử dụng

Robot Rosa trong một lần được sử dụng

Theo Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị có liên quan.

Bộ Công an đề nghị người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân liên hệ với cơ quan điều tra hoặc cơ quan tiến hành tố tụng để nhận lại số tiền chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng một ca phẫu thuật.

Kết quả điều tra xác định, năm 2017 - 2020, quá trình triển khai đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật sọ não, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh có hỗ trợ của hệ thống Robot Rosa (trong đó 2 ca miễn phí). Tuy nhiên, do hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án, nên Bệnh viện Bạch Mai đã thu tiền dịch vụ liên quan chi phí khấu hao hệ thống Robot Rosa không đúng quy định, dẫn đến người bệnh/người nhà phải chi trả số tiền điều trị tăng hơn 16,5 triệu đồng một ca.

Tổng cộng, Bệnh viện đã dùng robot Rosa phẫu thuật 637 ca bệnh. Hành vi của các bị cáo làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi được toàn bộ số tiền mà người bệnh/người nhà chi trả không đúng quy định liên quan 637 ca phẫu thuật, trong đó có một số người đã được Bệnh viện Bạch Mai và đối tác lắp đặt Robot Rosa trả lại số tiền chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.

Giá xăng tăng thêm 550 - 660 đồng/lít, cao nhất trong 7 năm

Từ chiều ngày 10/11, mỗi lít xăng tăng 550 - 660 đồng lên sát 25.000 đồng; dầu hoả và diesel giữ nguyên giá trong khi dầu mazut giảm.

Giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp

Giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp

Chiều 10/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 660 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.990 đồng/lít. Đây đều là mức cao nhất từ tháng 7/2014.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.980 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.150 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Với đợt tăng lần này, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 3.900 đồng so với cách đây 2 tháng, còn E5 RON 92 thêm gần 3.800 đồng.

Trong khi đó, nhà điều hành giữ nguyên giá bán với dầu hoả, dầu diesel như cách đây 15 ngày, lần lượt là 17.630 đồng và 18.710 đồng một lít. Riêng dầu madut giảm 390 đồng một kg, về mức 16.820 đồng.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành giảm mức chi Quỹ bình ổn với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Mức chi quỹ với xăng RON 95 là 100 đồng một lít (giảm 300 đồng so với cách đây 15 ngày); xăng E5 RON 92 là 800 đồng, giảm 300 đồng so với kỳ điều hành ngày 26/10. Các mức chi quỹ với dầu diesel là 8 đồng, dầu hoả là 44 đồng và không chi quỹ với dầu madut.

Liên bộ cũng tiếp tục không trích quỹ bình ổn cho các mặt hàng xăng, dầu diesel và tăng trích quỹ với dầu hoả, dầu madut. Theo đó, mức trích quỹ bình ổn xăng dầu với dầu hoả là 150 đồng một lít, dầu madut là 500 đồng mỗi kg.

Trận Việt Nam - Nhật Bản: Kiểm soát cổ động viên vào sân Mỹ Đình qua thẻ căn cước công dân

Cảnh sát sẽ lập ba luồng để kiểm soát người vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Nhật Bản, ngày 11/11. Công dân chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đã được tích hợp các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm là có thể đáp ứng được điều kiện của VFF khi vào sân.

Cổ động viên quét mã QR trên căn cước công dân gắn chíp bằng máy chuyên dụng

Cổ động viên quét mã QR trên căn cước công dân gắn chíp bằng máy chuyên dụng

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng cảnh sát chia thành nhiều tổ công tác, lập chốt ở 10 cửa trước cổng chính sân vận động, mỗi cửa có ba luồng để kiểm soát các trường hợp khác nhau.

Luồng 1 dành cho khán giả có căn cước công dân gắn chip hoặc giấy thông báo mã số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luồng 2 dành cho người không có căn cước công dân nhưng dùng điện thoại thông minh đã cài ứng dụng khai báo di chuyển nội địa VNEID. Luồng 3 dành cho người nước ngoài và công dân không sử dụng căn cước công dân gắn chip, không cài VNEID.

Nhiều rào chắn được dựng xung quanh khu vực kiểm soát, mỗi khán giả chỉ được đi ở một luồng. Cảnh sát cũng bố trí 15 máy chuyên dụng quét mã QR trên căn cước công dân gắn chíp, từ đây sẽ hiển thị các trường thông tin như: xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19, F0, F0 khỏi bệnh. Sau chốt kiểm tra thông tin, cổ động viên đi qua chốt kiểm tra đồ đạc, vũ khí, vật liệu nổ.

Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục C06 (Bộ Công an) cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp Công an thành phố Hà Nội và Ban Quản lý sân vận động Mỹ Đình sử dụng ứng dụng trên căn cước công dân gắn chip và phần mềm VNEID để kiểm soát khán giả đến xem bóng đá.

Kiểm soát người ra vào Quảng Ninh bằng “hành trình không chạm”

Tỉnh Quảng Ninh vừa cho vận hành thử nghiệm hệ thống máy quét mã QR tự động ngay dưới lòng đường tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Bạch Đằng. Hệ thống này đang được chạy thử nghiệm và cho kết quả rất tốt khi giảm tải được tình trạng ách tắc cũng như thời gian làm thủ tục qua chốt.

Hệ thống quét mã QR tự động này hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch vì giảm việc tiếp xúc nhiều người

Hệ thống quét mã QR tự động này hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch vì giảm việc tiếp xúc nhiều người

Với hệ thống máy tự động quét mã QR được đặt ngay dưới lòng đường, người dân có nhu cầu vào tỉnh Quảng Ninh chỉ cần ngồi trên xe quét mã là qua chốt, cả quá trình qua chốt chưa đầy 1 phút.

Quy trình trước đây đối với người làm thủ tục vào Quảng Ninh phải di chuyển tới điểm khai báo, xuống xe, vào trạm khai báo y tế, tiếp đó được đóng dấu xác nhận lên tay mới được qua chốt.

Nay, người dân chỉ việc ngồi trên ô tô, đi vào làn quét mã QR tự động, dừng xe rồi mở kính, đưa điện thoại trước máy quét để được xác nhận rồi di chuyển. Cả quá trình chỉ mất vài chục giây.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, bà Lê Ngọc Hân cho biết, điểm thuận lợi của hệ thống này là với nhiều người trên xe chỉ cần lái xe quét mã QR, hệ thống máy sẽ đọc đủ danh sách người trên xe.

Để thực hiện được như vậy đối với ô tô từ 2 người trở lên bắt buộc mọi người trên xe cùng khai báo trong hệ thống khai báo y tế Quảng Ninh: qr.quangninh.gov.vn. Hệ thống này của Quảng Ninh đã đồng bộ, tích hợp với phần mềm PC-Covid. Tỉnh Quảng Ninh cũng tạm đặt tên cho hệ thống này là "hành trình không chạm".

Khoảng 157.000 tỷ đầu tư các dự án đường thuỷ 10 năm tới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ước tính nguồn vốn đầu tư cho các dự án đường thủy đến năm 2030 là 157.000 tỷ đồng.

Bốc xếp container xuống sà lan tại cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ).

Bốc xếp container xuống sà lan tại cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ).

Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT công bố, quy hoạch đến 2025, ngành giao thông sẽ tập trung đầu tư các dự án giải quyết những nút thắt, nâng tĩnh không các cầu trên nhiều tuyến chính như cải tạo tĩnh không cầu Đuống trên hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; kênh nối Đáy - Ninh Cơ; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Đồng thời, phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics phía Nam, nâng cao tĩnh không các cầu cắt qua tuyến đường thủy trọng yếu, tiếp tục đầu tư các cảng thuỷ nội địa, gắn với các trung tâm logistics, cảng cạn.

Giai đoạn từ 2026 - 2030 sẽ đầu tư các dự án như nâng cấp các tuyến vận tải thuỷ nội địa chính trên toàn quốc; cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua các tuyến đường thủy quốc gia và tiếp tục đầu tư các cảng thuỷ nội địa trên toàn quốc.

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng, tập trung đầu tư cho luồng tuyến; vốn ngoài ngân sách khoảng 128.614 tỷ đồng, đầu tư cho cảng bến.

Ngành giao thông đặt mục tiêu cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ, phấn đấu các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng.

Đến năm 2030, đường thủy vận chuyển đạt khoảng 715 triệu tấn hàng hóa, khoảng 397 triệu lượt khách.

TP.HCM yêu cầu cấp thuốc cho F0 trong vòng 24 giờ

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị trong vòng 24 giờ.

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Yêu cầu được Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng nêu trong công văn gửi các quận huyện và các Trung tâm y tế về chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà trên địa bàn.

Động thái này được ngành y tế thành phố đưa ra sau khi nhận nhiều phản ánh về việc người dân tự xét nghiệm kết quả dương tính nhưng không liên hệ được trạm y tế phường, xã, thị trấn để được tư vấn, cấp phát túi thuốc điều trị.

Theo đó, Sở Y tế Thành phố yêu cầu giám đốc trung tâm y tế và ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các quận, huyện và TP. Thủ Đức tăng cường giám sát hoạt động chăm sóc F0 tại nhà. Tất cả F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị trong vòng 24 giờ, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn.

Ngành y tế Thành phố cũng đề nghị các trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 giải đáp thắc mắc của người dân; tiếp nhận danh sách F0 do các nơi chuyển đến hoặc người dân tự khai báo.

Sở Y tế cho biết đang triển khai 10 đoàn kiểm tra việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Các đoàn sẽ kiểm tra chăm sóc, quản lý F0 tại nhà; hoạt động trạm y tế lưu động để ghi nhận mô hình hay, nhân rộng, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân không tuân thủ quy định.

Hà Nội: Một số thủ đoạn các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm tài sản

Mới đây tại Hà Nội lại có thêm nhiều nạn nhân bị các đối tượng đóng giả là người của cơ quan công an, tòa án, điện lực, người thân... gọi điện, nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an thành phố Hà Nội cảnh báo một số thủ đoạn các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm tài sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Công an thành phố Hà Nội cảnh báo một số thủ đoạn các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm tài sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Công an thành phố Hà Nội vừa thông tin, mới đây lại có thêm nhiều nạn nhân bị các đối tượng đóng giả là người của cơ quan công an, tòa án, điện lực hoặc người thân, doanh nghiệp… để gọi điện, nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù đây không phải là thủ đoạn mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng rất nhiều bị hại vẫn sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Công an thành phố Hà Nội cũng nêu một số hình thức phổ biến mà các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, với hình thức kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, các đối tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... hình thức giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...

Các đối tượng còn giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Những đối tượng này thường lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc hack tài khoản của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản bị hack, giả vờ vay, mượn tiền...

Đáng chú ý, các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn; sau đó yêu cầu người bị hại muốn làm thủ tục nhận thưởng thì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, với hình thức kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối… hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số.

Theo Công an thành phố Hà Nội, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Chuyên đề