Số lượng nhà cung cấp Trung Quốc của Apple ngày càng tăng - Ảnh: Nikkei. |
Theo Nikkei, số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc của Apple hiện đông đảo hơn bao giờ hết. Trong danh sách được Apple công bố hồi đầu tháng, các nhà cung cấp ở Trung Quốc của hãng này là 27, tăng từ 19 công ty vào năm 2017.
Trong danh sách nhà cung cấp năm 2018 của Apple có khoảng 200 công ty, chiếm khoảng 98% chi phí mua linh kiện, vật liệu để sản xuất và lắp ráp sản phẩm của hãng gồm iPhone, MacBook và nhiều sản phẩm khác. Trong đó, Trung Quốc chiếm 13,5% trong tổng số, tăng 4% so với năm 2017.
Nhiều công ty nổi tiếng Trung Quốc xuất hiện lần đầu trong danh sách này gồm BOE Technology Group - nhà sản xuất màn hình hàng đầu; Jiangsu Changjiang Electronics Technology - công ty đóng gói và thử nghiệm chip số 1, và O-film Technology - cung cấp màn hình cho iPad và lắp ráp camera trước của iPhone.
Trong số các nhà cung cấp Trung Quốc của Apple, Luxshare-ICT là một trong những công ty nổi tiếng nhất. Công ty cáp nối bắt đầu sản xuất Airpod cho Apple từ năm ngoái. Đây được xem là một trong những đối thủ mới nổi của các công ty láp ráp chính hiện tại Apple như Hon Hai Precision Industry – được biết đến với Foxconn Technology Group, và Pegatron. Luxshare lần đầu xuất hiện trong danh sách nhà cung cấp của Apple vào năm 2013.
Theo phân tích của Nikkei, Trung Quốc là quốc gia duy nhất ghi nhận sự gia tăng đáng kể mỗi năm về số lượng nhà cung cấp cho Apple trong những năm qua. Nếu như cộng cả các nhà cung cấp đặt tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, tổng số lượng nhà cung cấp sẽ là 36, tương đương tỷ lệ 18% trong danh sách năm 2018. Trong khi đó, số lượng nhà cung cấp đặt tại Mỹ của Apple giảm từ 43 xuống còn 39 công ty trong năm 2018.
Apple hiện sản xuất phần lớn sản phẩm của mình tại Trung Quốc rồi xuất khẩu đi các nước khác. Một mặt ngày càng phụ thuộc vào các nhà cung cấp tại đây, Apple cũng mắc kẹt giữa căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng kim ngạch khoảng 60 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho biết sẽ trả đũa nhắm vào hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này.
Bên cạnh những căng thẳng về thương mại, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang đua nhau giành quyền thống trị về công nghệ. Hiện vẫn chưa xác định được hết những tổn hại của chuỗi cung ứng khi Mỹ áp thuế nặng đối với các sản phẩm công nghệ xuất đi từ Trung Quốc.
"Theo những gì tôi thấy suốt cuộc đời mình đến nay, những quốc gia cởi mở, cả về thương mại lẫn sự đa dạng của nền kinh tế, là những quốc gia làm được điều khác biệt", CEO Tim Cook của Apple nói trong một phiên thảo luận vào ngày 24/3 tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc - sự kiện thường niên kết nối các công ty phương Tây với quan chức Bắc Kinh. Tuy nhiên, Cook không đưa ra nhận xét trực tiếp về chính quyền và chính sách của Tổng thống Trump.
Mặt khác, Apple đang nỗ lực để đạt được sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia, đồng thời giành được thị phần tại Trung Quốc - thị trường chiếm khoảng 20% doanh thu của công ty này trong quý 3/2017. Trung Quốc cũng là cơ sở sản xuất lớn nhất hiện nay của Apple.
Tại Mỹ, thương hiệu quả táo đã đầu tư 390 triệu USD cho nhà sản xuất linh kiện Finisar để phát triển công nghệ và thuê thêm nhân lực ở bang Texas. Apple cũng cam kết sẽ đóng góp hơn 350 tỷ USD cho kinh tế Mỹ và giúp tạo ra 20.000 việc làm trong 5 năm tới.