Áp lực cuộc đua tăng vốn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến có hơn 82 nghìn tỷ đồng vốn sẽ được bổ sung cho một số ngân hàng trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn cho hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này mở ra cơ hội phát triển kinh doanh tích cực cho các nhà băng có năng lực tài chính mạnh, đồng thời tạo áp lực buộc các ngân hàng nhỏ phải rốt ráo chạy đua trong cuộc cạnh tranh sắp tới.
Các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và có thể được tăng hạn mức tín dụng, qua đó thêm cơ hội kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và có thể được tăng hạn mức tín dụng, qua đó thêm cơ hội kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho Ngân hàng MB tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 9.795,6 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo đó, Vietinbank sẽ được bổ sung hơn 6.977 tỷ đồng. Vốn bổ sung từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước, thông qua việc ngân hàng phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 của Ngân hàng. Theo đó, SHB đã phát hành thành công hơn 175 triệu cổ phiếu mới để nâng vốn điều lệ từ 17.510 tỷ đồng lên hơn 19.260 tỷ đồng. Vốn tự có của ngân hàng cũng đạt mức 38.959 tỷ đồng sau lần phát hành này.

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nhiều ngân hàng tư nhân (TCB, VPB, TPB…) đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017 - 2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh (VCB và BIDV) được tăng vốn trong năm 2019. Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn trong giai đoạn đại dịch.

Năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong 2021. Dự kiến, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

Tăng vốn cũng là nội dung được đề cập nhiều năm trước và tiếp tục được coi là cần đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC khuyến nghị, hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam vẫn yếu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt, hệ số CAR vẫn đang ở mức thấp tại một số ngân hàng quốc doanh. Do đó, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn, đẩy nhanh áp dụng tiêu chuẩn Basel II - vốn đã trì hoãn hạn chót từ năm 2020 đến năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm trong năm 2021, việc tăng vốn là bắt buộc trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 2 năm vừa qua tăng 12 - 14% trong khi vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng tăng không tương ứng, tạo áp lực đối với hệ số an toàn vốn, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, bảo đảm được hệ số an toàn vốn theo Basel II. Mặt khác, khi có nguồn lực tài chính mạnh, các ngân hàng được tăng hạn mức tín dụng, qua đó thêm cơ hội kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh tác động bất lợi đến nền kinh tế, ngân hàng càng có tiềm lực tài chính mạnh càng dễ dàng trụ vững, ngược lại, những nhà băng có năng lực tài chính kém sẽ rất chật vật. Mặt khác, các quy định hiện tại cũng giới hạn khả năng cho vay của ngân hàng dựa trên nguồn vốn, nên việc tăng vốn là cần thiết và tích cực.

Từ khía cạnh khác, theo vị chuyên gia này, vẫn còn một số ngân hàng có vốn nhỏ nhưng chưa có kế hoạch tăng vốn. Đây là áp lực cho các tổ chức tín dụng này trong cuộc cạnh tranh sắp tới, buộc họ phải chạy đua để “lớn” và đó là tín hiệu tích cực cho thị trường ngân hàng.

Chuyên đề