Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng (ảnh: internet) |
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5 - 6/2019 tăng cao hơn các tháng đầu năm. Đáng chú ý, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm (tháng 5 tăng 6,5%; tháng 4 giảm 3%; tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018). Qua đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành này trong các tháng tiếp theo.
Đến nay, ngành dệt may và da giày đã có đơn hàng ổn định đến hết năm. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh là cơ sở để kỳ vọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, sau thời gian bị sự cố, đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức vận hành trở lại các phân xưởng sản xuất. Đây sẽ là nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng ngành công nghiệp và thu ngân sách những tháng tiếp theo. Dự kiến, sản xuất ô tô sẽ tăng mạnh trong các tháng tới do Nhà máy sản xuất ô tô VinFast chính thức đi vào hoạt động.
Với ngành thép, Bộ Công Thương nhận định, năm nay, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, động lực là Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đưa vào vận hành hết công suất 2 lò cao, đạt 7,5 triệu tấn/năm.
Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2019. Dự tính, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép/năm, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành thép nói riêng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.
Nhìn về động lực tăng trưởng của nền kinh tế những tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm cần tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến khai thác các dư địa thúc đẩy xuất khẩu. Trong bối cảnh có nhiều thách thức do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ thương mại, cần tập trung thực hiện các giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN..., kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn…
6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%, thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương (mục tiêu là 12,7%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 12,7%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng của ngành vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Một số ngành có tăng trưởng khá như: sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; khai khoáng....