Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp ngoại “kẻ đến người đi”

(BĐT) - Thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn đang là một ẩn số khi chỉ trong một thời gian ngắn đã diễn ra nhiều cảnh “kẻ đến người đi”, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoại.
Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp ngoại “kẻ đến người đi”. Ảnh Internet
Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp ngoại “kẻ đến người đi”. Ảnh Internet

Ai cũng có “át chủ bài” riêng

Ngày 28/12/2015, Shinsegae, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc đã chính thức khai trương siêu thị Emart tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Phải thừa nhận rằng, với diện tích hơn 3 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD, đây là một trong những siêu thị “khủng” hiện nay tại đất Sài thành. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, Shinsegae không che giấu tham vọng của mình khi cho biết, hiện đang xem xét việc đầu tư thêm một siêu thị có quy mô tương đương tại quận Tân Phú.

Trước đó không lâu, trong hai năm 2014 - 2015, người dân cả nước nói chung và ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội nói riêng đã chứng kiến sự xuất hiện hết sức quy mô và hoành tráng của ba siêu thị cực lớn có tên AEON (Nhật Bản). Chưa hết, tập đoàn này sau đó còn thẳng thừng tuyên bố, đến năm  2020 họ sẽ mở tổng cộng 20 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam.

Cũng “đình đám” không kém những tên tuổi nêu trên, sau một thời gian “oanh tạc” thị trường bán lẻ ở Việt Nam với nhiều thành công vang dội, Tập đoàn Lotte Mart của Hàn Quốc lại tiếp tục bước vào cuộc đua tranh dành chiếc bánh thị phần mới. Cũng lấy cột mốc năm 2020 làm mục tiêu, nhưng xem ra tham vọng của Lotte Mart còn “ghê gớm” hơn nhiều, khi dự tính sẽ đưa con số 11 siêu thị hiện hữu lên khoảng 60 siêu thị ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc trong 5 năm tới.

Điều đáng suy ngẫm ở đây là, trong khi nhiều “ngoại binh” đang háo hức tiến vào thị trường Việt Nam, thì những “người tiên phong” dạn dày kinh nghiệm và đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam lại lặng lẽ rút lui. Thời gian qua, nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn Metro (Đức), chủ đầu tư của chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry; Tập đoàn Casino (Pháp), chủ đầu tư chuỗi Big C đã và đang “tháo chạy” khỏi Việt Nam. Rõ ràng, mỗi một ông chủ đến và đi đều luôn ém trong mình một con “át chủ bài” chỉ riêng họ biết, khiến cho thị trường bán lẻ Việt Nam đến thời điểm này vẫn là một ẩn số. 

Luôn là một mảnh đất tiềm năng

Nói gì thì nói, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang là một mảnh đất đầy tiềm năng. Một thị trường với trên 93 triệu dân, trong đó cơ cấu dân số trẻ chiếm hơn phân nửa không phải ở đâu cũng có. Đặc biệt, xu hướng mua sắm từ các chợ truyền thống đang dịch chuyển sang các siêu thị khi đời sống kinh tế càng ngày được cải thiện. Đây quả là miếng bánh hấp dẫn đối với những đại gia có tham vọng bành trướng trong lĩnh vực này.   

Ông Choi Kwang Ho, Giám đốc Emart Việt Nam cho biết, sau 5 năm “ăn dầm ở dề” tại Việt Nam để nghiên cứu thị trường, Shinsegae đúc kết, Việt Nam chính là thị trường trọng điểm ở nước ngoài của họ. Từ đây, Shinsegae sẽ kiến tạo một bệ phóng vững chắc cho việc mở rộng ra thị trường Đông Nam Á. Một phân tích mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016, tức là rất lớn và tiềm năng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tại Việt Nam hiện có khoảng 724 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 40%. Đến năm 2020, có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Dĩ nhiên, gần như tất cả các phân khúc của bán lẻ hiện nay ở Việt Nam đều có sự nhúng tay của các hãng nước ngoài.

Cuộc đua giành thị phần bán lẻ Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài khiến không ít doanh nghiệp nội lo lắng. Dù hiện tại cán cân thị phần đang nghiêng về phía các doanh nghiệp trong nước, nhưng không ai dám chắc một điều gì trong nay mai. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay còn rất yếu, nên cần phải liên kết, liên doanh với nhau. Đây là một bước đi an toàn và khôn khéo nhằm cùng học hỏi kinh nghiệm, từng bước chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể cạnh tranh tốt trước một cuộc đua nảy lửa.    

Chuyên đề