Đánh giá năng lực nhà thầu: Không để cho nhà thầu “cù nhầy”!

(BĐT) - Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây công bố “cấm” 23 nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý đã và đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều. 
HEC II đã khắc phục xong các hợp đồng ở kỳ đánh giá trước (tháng 8/2015) và được tiếp tục tham dự thầu các gói thầu mới do Bộ NN&PTNT quản lý. Ảnh: Nhã Chi
HEC II đã khắc phục xong các hợp đồng ở kỳ đánh giá trước (tháng 8/2015) và được tiếp tục tham dự thầu các gói thầu mới do Bộ NN&PTNT quản lý. Ảnh: Nhã Chi

Một trong những phản ứng được phản ánh là “lệnh cấm” còn thiếu cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu nhà thầu. 

Đánh giá cả đầu ra - đầu vào

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT đã có những lý giải cụ thể. Vị đại diện này nhấn mạnh: “Việc đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN&PTNT quản lý năm 2015 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật về quản lý công trình xây dựng, trong đó có Luật Đấu thầu. Một khi nhà thầu không đảm bảo tiến độ thực hiện hoặc có những vi phạm trong quá trình thực hiện Hợp đồng ký kết với chủ đầu tư thì việc bị xử lý là đương nhiên”.

Theo Văn bản số 1923/BNN-XD ngày 10/3/2016 của Bộ NN&PTNT về việc đánh giá năng lực các nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý năm 2015, 23 nhà thầu đã bị “cấm” do thi công không đảm bảo tiến độ gói thầu hoặc chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu…

Dẫn căn cứ cho việc “cấm” 23 nhà thầu, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, theo Văn bản số 10078/BNN-XD ngày 17/12/2014 của Bộ NN&PTNT về việc đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng tham gia các dự án do Bộ  quản lý thì chủ đầu tư xem xét mức độ đáp ứng yêu cầu để đánh giá nhà thầu. Cụ thể là đánh giá về mức độ đáp ứng yêu cầu về bố trí nhân lực, thiết bị; kết quả đạt được về chất lượng, tiến độ của công trình so với các yêu cầu của hợp đồng và các tài liệu liên quan để đánh giá theo 2 mức “đáp ứng yêu cầu/không đáp ứng yêu cầu” tại khung tiêu chí. “Quá trình xem xét đánh giá năng lực nhà thầu được thực hiện một cách khách quan” – vị đại diện này nói.

Theo một số chuyên gia về đấu thầu, việc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng là rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Việc đánh giá năng lực nhà thầu là không trái quy định của Luật Đấu thầu. Trong trường hợp các nhà thầu thấy những căn cứ đánh giá không phù hợp, nhà thầu có quyền kiến nghị lên chủ đầu tư, thậm chí khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, nếu chỉ là những phản ánh bằng “miệng”, thiếu căn cứ thì không giải quyết.
Vị đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT nói thêm: “Luật Đấu thầu quy định rất rõ trách nhiệm của các bên trong lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các cam kết theo hợp đồng đã ký và cam kết với nhà thầu phụ (nếu có). Người có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng. Dựa trên những căn cứ đó, nếu nhà thầu không đảm bảo tiến độ cam kết theo hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng thì bị “bêu tên” là chính đáng”.

“Chúng ta không thể để cho nhà thầu yếu mà cứ cố “cù nhầy” làm ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu/dự án mãi được!” - vị đại diện nêu trên quả quyết.

Lối mở cho nhà thầu

Theo đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình của Bộ NN&PTNT, sau khoảng gần 10 năm thực hiện công bố đánh giá năng lực nhà thầu, tiến độ cũng như chất lượng các gói do Bộ quản lý có những bước tiến đáng kể. Tỷ lệ nhà thầu “chây ì” được giảm bớt, năng lực cạnh tranh của nhà thầu từng bước được nâng lên.

Đối với các nhà thầu “không đáp ứng yêu cầu”, qua đánh giá định kỳ 6 tháng chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc quyết liệt, giám sát chặt chẽ các nhà thầu khẩn trương khắc phục, đảm bảo yêu cầu; hoặc không mời nhà thầu này tham dự gói thầu mới do mình quản lý cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng gói thầu cũ, được chủ đầu tư xác nhận và có thông báo của Bộ; hoặc chủ đầu tư báo cáo Bộ cho phép chấm dứt hợp đồng, chuyển khối lượng còn lại cho nhà thầu khác thực hiện theo quy định và không cho tham gia dự thầu gói thầu mới trong Ngành cho đến khi có thông báo của Bộ cho phép nhà thầu vi phạm được tiếp tục tham dự thầu hoặc có thông báo kết quả hủy thông tin nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu.

Nhờ những biện pháp trên mà thời gian qua tiến độ cũng như chất lượng nhiều gói thầu của Bộ NN&PTNT quản lý đã đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như ngay trong văn bản đánh giá năng lực các nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý năm 2015 đã công bố 2 nhà thầu đã khắc phục xong các hợp đồng ở kỳ đánh giá trước (8/2015) được tiếp tục tham gia dự thầu các gói thầu mới do Bộ quản lý như: Công ty CP Thiết bị Thủy Lợi, Công ty CP Tư vấn xây dựng Thủy Lợi II (HEC II).

Trước thực tế đó, tái khẳng định sự cần thiết phải đánh giá năng lực các nhà thầu để đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn cao nhất, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Việc Bộ NN&PTNT công bố danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu dựa trên việc đánh giá năng lực nhà thầu được xem là “cây gậy” giúp Bộ quản lý hiệu quả sử dụng vốn tại các gói thầu/dự án. Trường hợp này càng cần thiết đối các gói thầu/dự án cấp bách.

Cho ý kiến về việc Bộ NN&PTNT “cấm” các nhà thầu, một chuyên gia đấu thầu cũng cho biết: “Hợp đồng ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư là hợp đồng dân sự. Nếu chủ đầu tư đưa ra lệnh cấm nhà thầu mà thiếu căn cứ thì nhà thầu hoàn toàn có quyền kiến nghị, thậm chí khởi kiện ra Tòa để được giải quyết”.

Chuyên đề