Xuất khẩu năm 2017 có thể chạm ngưỡng 210 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,2 tỷ USD, giảm 0,4%.
Theo số liệu này, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 10 tháng qua đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, vượt xa mức Bộ Công Thương dự báo từ đầu năm. Đặc biệt hơn, sau 10 tháng cả nước đã xuất siêu 1,23 tỷ USD.
Để có được kết quả khả quan này phải ghi nhận sự đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng chủ yếu từ kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao là do một số doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư sản xuất.
Trong đó, dự án Samsung Display đã cho sản phẩm xuất khẩu ngay trong những tháng cuối năm đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục.
Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu cho thấy, 10 tháng qua, khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đã đạt kim ngạch xuất khẩu 125,5 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 10 tháng qua là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ.
Đây thực sự là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh vài năm gần đây, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực này đều đạt thấp, thậm chí có thời gian tăng trưởng âm.
Đặc biệt, gạo cũng là mặt hàng đáng chú ý khi khối lượng xuất khẩu sau 10 tháng đạt 5,05 triệu tấn với 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, năm nay Việt Nam cũng đã ký được một loạt các hợp đồng xuất khẩu tập trung với nhiều thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Banglades đã giúp mặt hàng này vượt qua đà tăng trưởng âm của năm ngoái và xuất khẩu mạnh.
Cùng với đà tăng của nhóm nông - lâm - thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 29,7%, nhóm công nghiệp chế biến tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Song hành với đó,kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước10 tháng qua đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu giảm dần do những tháng đầu năm, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đẩy mạnh nhập khẩu thiết bị phục vụ các dự án lớn. Vì vậy, đến thời điểm này các dự án đã cơ bản triển khai xong nên áp lực sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 10 tháng qua là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã đạt 48,2 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN
Nguyên nhân do Trung Quốc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thép nên một số nhà máy thép không đủ tiêu chuẩn về môi trường bị đóng cửa, ảnh hưởng nguồn cung nên giá thép tăng cao.
Dù lượng nhập khẩu trong những tháng qua giảm nhưng giá tăng đã khiến kim ngạch nhập khẩu thép tăng 13,9%.
Ngoài ra, rau quả cũng là mặt hàng nhập khẩu tương đối mạnh trong 10 tháng qua, tăng 74%.
Tuy nhiên, mặt hàng này tăng mạnh phần lớn do nhập khẩu từ Thái Lan về để tái xuất sang Trung Quốc nên Cục Xuất Nhập khẩu đang báo cáo Bộ Công Thương trừ đi phần kim ngạch tái xuất này, bảo đảm không ảnh hưởng đến thành tích xuất khẩu thời gian tới.
Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD.
Đây là mức tăng trưởng hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đảm bảo xuất khẩu phát triển bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo 2 nhóm giải pháp là hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.