Trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông Vận tải hồi cuối tuần qua, Công ty TNHH Grab Việt Nam đề nghị cơ quan này cho phép được triển khai chương trình có tên gọi “90 ngày nỗ lực hoàn thiện”. Chương trình gồm 11 giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm giải quyết những khó khăn mà cả khách hàng và đối tác của hãng gặp phải.
Cụ thể, Grab Việt Nam đề xuất được nâng cao dịch vụ tổng đài 24/7 nhằm rút ngắn thời gian phản hồi đối với mọi thắc mắc của khách hàng và đối tác. Bên cạnh đó, hãng dự tính đẩy mạnh tính năng hỗ trợ tự động trực tuyến ngay trong ứng dụng để giúp khách hàng và đối tác tài xế có thể nhanh chóng tự tìm giải đáp cho thắc mắc trong quá trình sử dụng dịch vụ… mà không phải gọi tới tổng đài.
Bên cạnh đó, Grab cũng nghiên cứu cải thiện hệ thống bản đồ để cập nhật chính xác các tuyến đường cấm, tuyến đường một chiều, giúp giá cước chuyến đi chính xác hơn và giảm thiểu những đoạn đường vòng cho tài xế.
Một điểm đặc biệt trong đề xuất lần này của Grab đó là việc hủy chuyến xe với khách hàng. Cụ thể, hãng tính đến việc triển khai tính năng “Khách không tới”, cho phép đối tác tài xế hủy chuyến trong trường hợp đã tới điểm đón mà sau 5 phút khách vẫn không xuất hiện. Việc hủy chuyến này Grab khẳng định là không ảnh hưởng đến tỷ lệ hủy cuốc của đối tác.
“Chúng tôi mong muốn trở thành một ứng dụng đáng tin cậy cho cuộc sống hàng ngày của mọi người dân Việt Nam… Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để phục vụ ngày một tốt hơn”, ông Lim Yen Hock, Giám đốc của Grab nhấn mạnh trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông Vận tải.
Hồi cuối tháng 3, Grab từng gây sốc trên thị trường vận chuyển sử dụng ứng dụng công nghệ khi tuyên bố thâu tóm Uber. Cụ thể, Ngày 26/3, Grab tuyên bố mua lại toàn bộ hoạt động của công ty Uber tại Đông Nam Á và Uber có 27,5% cổ phần trong công ty mới sau vụ mua bán và sáp nhập này.
Việc Uber rút khỏi Việt Nam tưởng chừng khiến Grab “một mình một chợ”, nhưng ngay sau đó là sự ra mắt của một loạt ứng dụng, cho thấy cuộc chơi của Grab không dễ dàng. Aber, FastGo, Go-Viet, T.net, VATO… đồng loạt gia nhập thị trường, chưa kể sự bứt tốc của các hãng taxi. Người tiêu dùng Việt chưa bao giờ có nhiều sự lựa chọn với xe công nghệ như bây giờ. Tài xế Việt cũng có nhiều hơn sự lựa chọn cho công việc.
Tuy nhiên, xung quanh thương vụ mua bán của Grab, Uber cũng dấy lên những tranh cãi liên quan đến các điều khoản của Luật Cạnh tranh. Trong thông báo phát đi chiều 5/7, Cơ quan quản lý cạnh tranh Singapore (CCCS) khẳng định việc sáp nhập của Grab và Uber về thực chất là ngăn cản cạnh tranh và đề nghị phạt tiền cả hai công ty dịch vụ vận tải này.
Thông báo của cơ quan này cũng khẳng định việc sáp nhập của hai công ty Grab và Uber, vốn là hai đối thủ trực tiếp của nhau, đã làm tăng giá dịch vụ, tạo khó khăn cho các đối thủ khác muốn gia nhập thị trường. CCCS cũng khẳng định nếu không có sự sáp nhập này Uber đã không rời khỏi thị trường Singapore. Ủy ban này dẫn chứng trước đó Uber đã có thỏa thuận hợp tác với hãng taxi có thị phần lớn nhất Singapore là ComfortDelGro để giới thiệu sản phẩm UberFlash nhằm cạnh tranh với Grab. Sản phẩm này sau đó cũng bị hủy bỏ sau khi Grab mua lại Uber.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương cũng cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế. Cơ quan này sẽ chuyển vụ việc sang điều tra chính thức, và sau đó sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.