VPBank sẵn sàng các phương án ứng phó đại dịch Covid-19

(BĐT) - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chung tay cùng cộng đồng và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Các kịch bản ứng phó đã được xây dựng để có phương án vận hành hiệu quả nhất. Ngân hàng cũng chủ động đánh giá và lên các kế hoạch thúc đẩy kinh doanh chuẩn bị cho hậu Covid-19.
VPBank đã triển khai 2 chương trình giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19
VPBank đã triển khai 2 chương trình giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Ngay từ đầu tháng 2/2020, VPBank đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó dịch bệnh và kích hoạt Kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) vừa ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe nhân viên, vừa đáp ứng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh. Đồng thời, xây dựng các phương án đối phó với các kịch bản của dịch bệnh; rà soát và đánh giá ảnh hưởng đối với các cá nhân, khách hàng và khu vực kinh tế để từ đó có các chính sách và phương án kinh doanh phù hợp…

Cùng với đó, Ngân hàng đã thực hiện hoạt động chia sẻ trách nhiệm xã hội, đưa ra các gói hỗ trợ khách hàng, kiểm soát các tác động đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể, VPBank và FE Credit đã ủng hộ 15 tỷ đồng cho công tác phòng dịch, đồng thời kêu gọi cán bộ nhân viên ủng hộ nửa ngày lương theo phát động của Ngân hàng Nhà nước.

Chiến dịch “Vui lên Việt Nam” đã được triển khai và lan tỏa trong cộng đồng với mục tiêu khích lệ tinh thần tích cực trong thời gian chống dịch. Sắp tới, VPBank dự kiến khởi động sáng kiến “Học viện tiểu thương”, giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi hình thức kinh doanh sang kênh online để phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về giãn cách xã hội, duy trì kinh doanh trong mùa dịch.

Đặc biệt, ngay từ đầu mùa dịch, VPBank đã triển khai chương trình giảm lãi suất tới 1,5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; đồng thời, cẩn trọng đánh giá tác động tới doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp giãn nợ, tái cấu trúc nợ kịp thời. Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank công bố tiếp gói hỗ trợ thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp có lịch sử trả nợ và xếp hạng tín dụng tốt.

Đối với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 3% với thời gian hỗ trợ ban đầu từ 3 - 6 tháng tùy theo các gói vay. Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit cũng triển khai gói hỗ trợ khách hàng, miễn trừ tới 10% tổng lãi trả góp hàng tháng hay miễn giảm một phần lãi cho khách hàng...

Ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt với nhiều ưu đãi như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10 - 25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử. Quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa tăng 25%, số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

FE Credit với ứng dụng $NAP cùng nền tảng công nghệ tiên tiến đã hỗ trợ khách hàng vay tiền trực tuyến, không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ bán hàng, giúp khách hàng chi tiêu không dùng tiền mặt một cách thuận lợi.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực về tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2020. Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với VPBank. Hiện nay, các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất. VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh vào cuối quý II/2020, các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và Ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng.                

Chuyên đề