Phiên thoái 78,99% vốn nhà nước tại Vinaconex thu về 9.369 tỷ đồng. |
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến các thương vụ bán vốn cổ phần đặc biệt lớn tại các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Khởi đầu là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.
Nhưng thương vụ của Techcombank chưa phải là lớn nhất. Sau Techcombank, thương vụ IPO tỷ USD lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Vinhomes.
Đây cũng là thương vụ IPO lớn nhất Đông Nam Á năm 2018 theo bình chọn của các nhà đầu tư quốc tế. Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Liên quan đến hoạt động IPO và bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) diễn ra chiều ngày 22/11 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Với việc đấu giá thành công này, Nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018 có các thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trị giá 5.500 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 4.100 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 7.000 tỷ đồng.
Cải cách để đón dòng vốn lớn
Trong dữ liệu của EY vừa công bố, Việt Nam đã vượt qua cả Thái Lan, Indonesia, Singapore, để chiếm ngôi thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á về phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2018.
Tổng số tiền huy động được từ các thương vụ IPO của sàn chứng khoán Việt Nam năm 2018 là 2,6 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần so với năm 2017. Con số này đã giúp Việt Nam vượt Singapore và Thái Lan dẫn đầu thị trường Đông Nam Á. Hai trong ba thương vụ IPO có giá trị lớn nhất Đông Nam Á thuộc về Vinhomes và Techcombank.
Trong khi đó, tổng số tiền thu về từ các thương vụ IPO trong năm 2018 của Việt Nam đạt 7,1 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng thương vụ IPO cũng giảm 7% xuống còn 115. Trong số này, có 56 doanh nghiệp IPO huy động ít hơn 10 triệu USD. Trong đó, lớn nhất là vụ phát hành mang về 1,35 tỷ USD của Công ty bất động sản Vinhomes. Đây cũng là vụ IPO lớn nhất Đông Nam Á năm nay.
Đứng thứ hai sau Việt Nam là Thái Lan với số tiền thu về từ các IPO là 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với năm ngoái. Tiếp đến là Indonesia với 1,2 tỷ USD, tăng 66%. Còn Singapore, cả năm chỉ huy động được 13 vụ IPO với tổng giá trị huy động đạt 500 triệu USD, giảm tới 85% so với năm trước.
Dự báo cho hoạt động IPO năm 2019, một báo cáo của Baker McKenzie và Oxford Economics công bố cuối năm ngoái nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á trong những năm tới.
Từ nay đến năm 2021, Việt Nam sẽ vững ở vị trí thị trường IPO số 1 khu vực, theo sau là Singapore và Thái Lan. Sự nổi lên của Việt Nam, cùng với một số quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, trong lĩnh vực IPO có thể làm gia tăng mức độ cạnh tranh để thu hút các công ty niêm yết mới giữa các sàn giao dịch trong khu vực.
Các chuyên gia quốc tế cũng thể hiện sự lạc quan đối với thị trường Việt Nam trong những năm tới. Theo một báo cáo của Oxford Economics và Baker McKenzie, thị trường Việt Nam sẽ giữ vững ngôi đầu Đông Nam Á về số tiền huy động được từ các thương vụ IPO cho đến năm 2021. Năm 2019, các thương vụ IPO tiềm năng trong khu vực sẽ trở thành trọng tâm. Mặc dù hoạt động IPO trong khu vực năm nay khá mờ nhạt, các nhà đầu tư đang ngày càng trông chờ vào các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng của Đông Nam Á.
Bắc những chiếc cầu từ phố Wall
Ông Lê Hải Trà, Phó chủ tịch phụ trách hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM tỏ ra rất lạc quan khi bình luận về những thương vụ tỷ đô của Việt Nam trong năm 2018. "Đằng sau những con số tỷ đô đó là gì?", ông Trà đặt câu hỏi.
"Đó là vai trò của các nhóm bảo lãnh phân phối, là những ngân hàng đầu tư có tên tuổi nhất trên phố Wall. Một trong những thứ được nhắc tới nhiều trong thời gian qua là phương pháp dựng sổ (book building). Đây là thành quả đáng ghi nhận cho phát hành chứng khoán Việt Nam trong năm qua", ông Trà cho hay.
Morgan Stanley, Viet Capital Securities JSC và Deutsche Bank AG là ba ngân hàng tham gia tư vấn thành công cho đợt chào bán 164.076.954 cổ phiếu của Techcombank cho các nhà đầu tư tổ chức. Với giá bán chốt ở mức 128.000 đồng/CP (tương đương 5,62 USD/CP), đợt chào bán đã giúp ngân hàng huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD), tương đương với mức vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, có một số nhà đầu tư tham gia đợt IPO của Techcombank cũng là lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Họ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu Việt Nam với đại diện chính là lớp người trẻ đang gia nhập thị trường lao động. Thêm vào đó, tỉ lệ tiếp cận tài chính ở Việt Nam còn thấp, khiến cho ngành ngân hàng trở thành một hướng đầu tư hấp dẫn.
"Giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Vinhomes đánh dấu sự trỗi dậy của thị trường vốn Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ với nền tảng lực lượng lao động hấp dẫn", ông George Taylor - đồng Giám đốc khối ngân hàng Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley, đã phát biểu như vậy sau sự kiện IPO của Vinhomes.
Qua các quy mô của các thương vụ này, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tạo dấu ấn lớn với thị trường tài chính khu vực và thế giới. Điều này rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đang có xu hướng rút khỏi thị trường cận biên sau khi Fed tăng và tiếp tục phát tín hiệu tăng lãi suất USD.
Hiệu quả khi chọn phương thức đúng
Trong khi đó, những thương vụ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng đã có những thành công đáng ghi nhận trong năm 2018. Vào tháng cuối năm 2018, thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinaconex đã được thực hiện thành công vượt ngoài mong đợi. Tuy nhiên, ít ai biết, phía sau sự thành công đó, là cả một chuỗi gian nan. Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng.
Quay ngược thời gian về những năm 2010 khi Vinaconex mất cân đối tài chính nghiêm trọng, khó ai có thể tưởng tượng khoản vốn nhà nước tại đây nay lại có thể sinh lời như vậy.
"Là một định chế tài chính chuyên nghiệp, hoạt động trên thị trường, chịu các quy định của pháp luật thị trường song SCIC còn có điểm đặc biệt khác là phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quản lý và kinh doanh vốn nhà nước", ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết.
Những việc mà SCIC đã và đang thực hiện, trong đó có nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ trong thị trường vốn Việt Nam đã bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định "SCIC đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn".
Tháng 11/2017, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá khi đó SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, cũng thừa nhận rằng việc bán phần vốn tại VCG năm ngoái là để thăm dò mức độ hấp thụ của thị trường.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ cuộc đấu giá đó, trên cơ sở làm việc với công ty tư vấn và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, SCIC đã quyết định thay đổi phương thức bán vốn. "Sau khi thực hiện phương thức bán theo hình thức chia nhỏ lô, bán 21% và giữ lại 36% để nắm quyền chi phối không thành công vào năm ngoái thì chúng tôi quyết định bán toàn bộ lô 57,71%", lãnh đạo SCIC chia sẻ. Và với thành công của phiên đấu giá ngày 23/11/2018, một lần nữa đã cho thấy khi bán một lô lớn đủ một tỷ lệ hấp dẫn đối với những nhà đầu tư trong và cả nước ngoài có tham vọng thâu tóm một tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng thì thương vụ thoái vốn chắc chắn thành công.
"Đối với VCG, nếu đưa ra thị trường một mức nhỏ thì sẽ khó để hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi thoái vốn mà Chính phủ đặt ra cho SCIC là bán hết và bán hiệu quả và đảm bảo tỷ lệ chi phối để nhà đầu tư có thể thực hiện quản trị công ty và thực hiện vai trò cổ đông chi phối. Rõ ràng là việc bán lô lớn sẽ hấp dẫn hơn", ông Thành cho biết thêm.
Cũng theo ông Thành, với mỗi doanh nghiệp SCIC đều lựa chọn cách thức thực hiện thoái vốn phù hợp. Trong hơn 12 năm qua, SCIC đã tiến hành thoái vốn tại hơn 900 doanh nghiệp và tùy từng doanh nghiệp và quy mô thoái vốn để lựa chọn phương thức thích hợp để tối đa hóa mục tiêu.
"Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là phải minh bạch trong quy trình thực hiện, Chính phủ ủng hộ các quy định phù hợp thị trường thì sẽ bán được kết quả tốt. Với tư cách là doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiều thương vụ thoái vốn thành công, kinh nghiệm mà SCIC đã áp dụng là tuân thủ pháp luật, giá trị bán phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, sau khi thoái vốn doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Đây là những nguyên tắc khắt khe này được đặt ra trước tất cả các cuộc thoái vốn. Và để đáp ứng được những nguyên tắc khắt khe này, bản thân những thương vụ thoái vốn đã thành công. Điều này đã được đã chứng minh qua thực tế của các cuộc thoái vốn trong năm 2018 mà SCIC thực hiện tại Nhựa Bình Minh, Vinaconex với kết quả giá bán đều cao hơn so với giá thị trường, mang lại thặng dư cao hơn nhiều so với giá vốn ban đầu".
Và sau chưa đầy 2 tháng kể từ sau khi mua lại phần vốn thoái từ 2 cổ đông Nhà nước là SCIC và Viettel, các ông chủ mới của Vinaconex đã được sớm ngồi vào Hội đồng quản trị, khi ngày 11/1/2019, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaconex bầu lại hội đồng quản trị mới. So với nhiều trường hợp phải chờ đợi 6 tháng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, và không được chào đón nhiệt tình như vậy, các ông chủ mới của Vinaconex đã may mắn hơn.