Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký Biên bản phiên họp lần thứ III Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam - Chile. Ảnh: VGP |
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hoà Chile, ngày 5/7 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế đã có một loạt các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, dự Diễn đàn Kinh tế Chile- Việt Nam tại Thủ đô Santiago de Chile.
Diễn đàn do Liên đoàn Công nghiệp Chile phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Chile tổ chức, thu hút hơn 100 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông.
Theo đó, quan hệ hữu nghị, toàn diện giữa Chile và Việt Nam sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thúc “cỗ xe” thương mại, đầu tư
“Chile và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp nhưng hợp tác về kinh tế giữa hai bên còn rất hạn chế. Chúng tôi tới Chile và Nam Mỹ để quyết tâm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói với giới chức Hiệp hội Công nghiệp Chile và hơn 100 doanh nghiệp của hai quốc gia.
Chile là địa bàn ngoại giao xa nhất của Việt Nam hiện nay nhưng hai bên có mối quan hệ tốt đẹp trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Thượng viện và sau này là Tổng thống Chile Salvador Allende được biết đến là một biểu tượng của phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông cũng là người bạn, người đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Chile là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 25/3/1971. Tới tháng 5/2007, Việt Nam và Chile đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sang thăm Chile trong hơn 15 năm qua và 4 đời Tổng thống Chile gần đây cũng đã sang thăm Việt Nam.
Cùng với Việt Nam, Chile là thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong buổi gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào ngày 4/7, Bộ trưởng Tài chính Felipe Larrain Bascuñan cởi mở cho biết: “Nhờ có Việt Nam là một trong 11 thành viên của CPTPP nên chắc chắn rằng Quốc hội Chile sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này”.
Tuy quan hệ ngoại giao, chính trị chặt chẽ nhưng hợp tác thương mại, đầu tư của hai bên vẫn còn rất khiêm tốn. Từ năm 2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile chính thức có hiệu lực, góp phần tăng cường trao đổi kinh tế nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2017 mới đạt 1,28 tỷ USD (chỉ bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam).
Trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 800 triệu USD sang Chile, chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, dệt may, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và linh kiện điện tử, xi măng, cà phê, gạo... và nhập khẩu hơn 203 triệu USD từ Chile, chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Đồng tình với nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các quyết tâm của giới chức hai bên, ông Gonzalo Said, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hiệp hội Công nghiệp Chile đề nghị các doanh nghiệp Chile và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân hai nước cũng như đưa hàng hoá của hai bên vào các khu vực tự do thương mại khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Chile cho biết Quốc hội Chile đang xây dựng chương trình sửa đổi Luật Đầu tư và thành lập cơ quan thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài để tạo động lực quan trọng trong kêu gọi đầu tư và thúc đẩy thương mại của Chile với các quốc gia châu Á.
Thêm một lần ủng hộ tăng cường thương mại, đầu tư giữa hai bên, ông Gonzalo Said đã tặng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bộ bánh răng cưa thúc ngựa- một nét văn hoá của người dân sống trên các thảo nguyên Nam Mỹ- với hàm ý hai bên cần phải thúc “cỗ xe” thương mại, đầu tư.
Tận dụng cơ hội từ CPTPP để kết nối thị trường
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hai bên hoàn toàn có thể hợp tác, đầu tư ở nhiều lĩnh vực không cạnh tranh lẫn nhau như Chile có thể tăng cường xuất khẩu rượu vang, đồng, nguyên phụ liệu, đồ mỹ nghệ vào Việt Nam, tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và ngược lại, các doanh nghiệp Chile tăng cường nhập khẩu các sản phẩm chất lượng của Việt Nam như chè, chôm chôm, xoài, vú sữa, quả có múi, linh kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí,...
“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên mạnh dạn khai thác các cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ Hiệp định CPTPP đang được Quốc hội hai bên xem xét phê chuẩn, để đột phá vào thị trường của nhau, qua đó kết nối với thị trường ASEAN và Mỹ Latinh”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng mời Hiệp hội Công nghiệp và các doanh nghiệp Chile sang Hà Nội vào tháng 9 tới để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF- ASEAN, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Chile đánh giá cao thị trường Việt Nam và vai trò cầu nối từ Việt Nam vào thị trường châu Á - Thái Bình dương; hoan nghênh Chính phủ hai nước đều thúc đẩy tự do thương mại và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiêp; bày tỏ quan tâm về các quy định kiểm dịch hàng hoá nông sản, các cơ hội liên kết sản xuất tại Việt Nam, khả năng nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Chile trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp nông sản, viễn thông.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã trả lời các câu hỏi của nhiều doanh nghiệp Chile về các lĩnh vực liên quan.
Tăng cơ chế hoạt động của Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam- Chile
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký Biên bản của phiên họp lần thứ III Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam - Chile.
Hai bên đã tiến hành rà soát tình hình thực hiện FTA Việt Nam-Chile trong giai đoạn 2016-2018 và cập nhật tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước.
Để thúc đẩy việc tận dụng hiệu quả Hiệp định này, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến Hiệp định trong cộng động doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Hai bên đã trao đổi dự thảo MOU hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan xúc tiến thương mại Chile (ProChile) và thống nhất sẽ tiến tới ký kết trong thời gian sớm nhất.
Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đã ký kết và sẽ đi vào hiệu lực trong thời gian tới, hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao... để tận dụng tiềm năng và cơ hội sẵn có.
Đối với Tiểu ban Thương mại hàng hoá, hai bên thống nhất trao đổi thông tin liên quan đến việc áp dụng biểu thuế đối với FTA Việt Nam-Chile giai đoạn 2018-2022, xem xét việc triển khai áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử để đơn giản hoá quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi của FTA này.
Đối với Tiểu ban Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật, phía Việt Nam đã giải đáp các vấn đề bạn nêu ra liên quan đến xuất khẩu trái cây, sản phẩm động vật, sản phẩm sữa của Chile sang Việt Nam, cung cấp các văn bản mới nhất về quản lý an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh, vi sinh đối với thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
Hai bên trao đổi thông tin về quy trình, thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng. Việt Nam yêu cầu bạn đẩy nhanh tiến độ đánh giá nguy cơ dịch hại đối với quả xoài, bưởi và chôm chôm của Việt Nam.
Đặc biệt, phía Việt Nam đề nghị Chile có biện pháp ưu đãi thúc đẩy nhập khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam nhằm giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại nông sản (hiện xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Chile chỉ đạt 1,75 triệu USD trong khi giá trị nông sản nhập từ Chile lên tới 153 triệu USD).
Hai bên cũng thảo luận việc xây dựng thoả thuận hợp tác giữa hai cơ quan đầu mối về an toàn thực phẩm đối với nông thuỷ sản và củng cố cơ chế trao đổi thông tin nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thương mại nông sản.