Quang cảnh buổi hội đàm. Ảnh: TTXVN |
Nội dung này được thống nhất trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath về các biện pháp hợp tác song phương trong lĩnh vực khoáng sản và tháo gỡ khó khăn cho các dự án khoáng sản, thủy điện diễn ra chiều ngày 4/4, tại Hà Nội
Các nội dung chính bao gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện...
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với dự án muối mỏ kali; sớm hỗ trợ dự án thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1 đi vào triển khai...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác chặt chẽ để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của hai nước.
Trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là sản xuất và truyền tải điện, Lào có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Năng lượng được kỳ vọng là đầu tàu phát triển kinh tế của Lào với tham vọng trở thành “quả pin cho châu Á”, Lào lên kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện từ các nguồn khác nhau (thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời …) vào năm 2020 và 75% sản lượng điện đó được kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Về phần mình, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp cho khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Trong bối cảnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Lào đã trở thành một nhu cầu tự thân, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho phát triển của cả hai nước.