Vì sao Sabeco chưa nộp 2.500 tỷ theo kiến nghị của Kiểm toán?

Theo Sabeco, chưa có cơ sở phải thực hiện ngay do kiến nghị có điểm chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. 

Kiểm toán Nhà nước mới đây có kết luận yêu cầu Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp khoản lợi nhuận 2.495 tỷ đồng còn lại sau phân phối về ngân sách Nhà nước (chiếm 89,59% lợi nhuận còn lại).

Tuy nhiên, Sabeco cho rằng không có cơ sở thực hiện ngay. Ngoài ra, công ty cho biết, kiến nghị này cũng chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp và Điều lệ của họ. Theo đó, đại hội đồng cổ đông sẽ quyết định, thông qua việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ…

Chia sẻ với VnExpress, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, khúc mắc chính nằm ở khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco giai đoạn 2007 - 2015, khoảng 2.500 tỷ đồng. Để không ảnh hưởng tới quá trình bán vốn, khi hoàn thiện hồ sơ, phần lợi nhuận chưa phân phối này đã được Sabeco “khoanh” lại, nhằm đảm bảo khi có quyết định chính thức từ cấp có thẩm quyền sẽ không ảnh hưởng tới “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Việc này đã được Sabeco xin ý kiến các cơ quan chức năng hướng dẫn, phê duyệt trước khi thực hiện.

“Chúng tôi đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc xử lý dứt điểm khoản thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco bị treo lại từ giai đoạn trước xem phải nộp hay không. Nếu phải nộp khoản thuế này sẽ không còn khoản lợi nhuận chưa chia trên. Thực chất vẫn là tiền Nhà nước nộp về cho Nhà nước, không mất đi đâu cả”, ông Hoài nói.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco đã đầu tư lỗ gần 445 tỷ đồng khi rót vốn vào các lĩnh vực trái ngành như ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính... Trong đó, có những khoản đầu tư phải trích lập 100% giá trị. Trong 10 khoản đầu tư ngoài ngành, số tiền lớn rót vào Ngân hàng Đông Á đến nay cổ đông không được chuyển nhượng do ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ vi phạm trong chi thưởng cho ban lãnh đạo Sabeco năm 2016, khi chi vượt mức Bộ Công Thương cho phép gần 13 tỷ đồng.

Sau khi bán 53,59% vốn cho VietBev - công ty con của Tập đoàn ThaiBev cuối tháng 12/2017, tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco hiện còn trên 36%. Ngày 23/4, Sabeco sẽ tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông bất thường. 

Chuyên đề