Mặc dù cuộc thanh tra kết thúc đã lâu, nhưng Petrolimex vẫn chưa thực hiện đầy đủ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa/Vneconomy) |
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đề nghị Petrolimex khẩn trương thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời hoàn thành việc thoái vốn đầu tư chưa đúng quy định 482.643 triệu đồng. Petrolimex mới thực hiện được 139.717 triệu đồng trên tổng số 622.360 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Petrolimex đưa ra lộ trình, xây dựng phương án thoái vốn tại Ngân hàng PG Bank để trình Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Liên quan đến khoản đầu tư uỷ thác thu hồi vốn còn dở dang, Thanh tra Chính phủ đề nghị Petrolimex cần xin hướng dẫn của Bộ Công Thương trong việc tiếp tục cho các đơn vị thành viên vay hoặc uỷ thác, tránh rủi ro khó thu hồi vốn và vi phạm các quy định về quản lý tài chính.
Đối với nội dung liên quan đến khoản thù lao cho đại lý bao tiêu, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Petrolimex cần phải xác định rõ khoản thù lao mà đại lý theo hình thức hợp đồng “đại lý bao tiêu” được hưởng là chiết khấu thương mại hay hoa hồng đại lý. Khi xác định rõ khoản này thì phải theo dõi, hạch toán đúng chế độ kế toán, tài chính theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến nội dung thu hồi công nợ, Thanh tra Chính phủ đề nghị Petrolimex cần tìm mọi biện pháp hiệu quả thu hồi đầy đủ công nợ; xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không xử lý kịp thời các khoản công nợ để phát sinh nợ xấu, khó đòi.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Petrolimex cùng với Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu VIPCO tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc liên quan đến khoản tiền 19.163 triệu đồng hợp tác đầu tư của VIPCO với Công ty Thiên Lộc Phú, tránh làm mất vốn.
Nội dung cuối cùng Thanh tra Chính phủ kiến nghị là Petrolimex cần tích cực đề nghị các cơ quan chức năng để khẩn trương các thủ tục pháp lý đối với các khu đất hiện do tập đoàn và các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Thanh tra đã từng kết luận gì tại Petrolimex
Được biết, kết luận do Thanh tra Chính phủ công bố năm 2016, Công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.
Tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Petrolimex còn ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex và Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào Công ty CP Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức…
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ vi phạm nghiêm trọng trong việc hợp tác đầu tư tại Công ty VIPCO; Công ty Xăng dầu Khu vực III và Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 360 m2 đất trái thẩm quyền, làm phát sinh công nợ 540 triệu đồng, nguy cơ mất vốn.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những tồn tại trong quản lý hoạt động kinh doanh của Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên.
Theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Đáng chú ý, theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc xảy ra giữa Công ty VIPCO và Công ty Thiên Lộc Phú.