Văn hóa Tết chính là cái đẹp, cái giá trị, cái riêng, cái tinh tế của Tết Việt, phong tục Việt |
Văn hóa Tết - Tết văn hóa: Những nét đặc trưng của người Việt
Dân tộc nào trên thế giới cũng có Tết với những nét đặc trưng riêng. Cái riêng, cái đẹp là văn hóa. Vài nét chấm phá về văn hóa Tết Việt và Tết văn hóa của đất nước Việt Nam, một đất nước có hàng ngàn năm lịch sử, của Tổ tiên Hồng Bàng, con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên; của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Văn hóa Tết - Tết văn hóa không phải đi tìm cái “vĩ đại”, cái đồ sộ, cái hoành tráng, to, cao... mà chính là khai thác cái đẹp, cái giá trị, cái riêng, cái tinh tế của Tết Việt, phong tục Việt, những điều còn lại khi người ta đã quên đi tất cả; những cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả.
Cái đẹp, cái giá trị của Tết Việt xuyên suốt từ truyền thống đến hiện đại, từ lúc lập nước Văn Lang - Âu Lạc đến thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 23 tháng Chạp, người Việt quây quần bên ban thờ tổ tiên làm lễ tiễn Ông Công, Ông Táo lên Trời. Mọi người trong gia đình nhìn lại năm cũ, hướng về năm mới với suy nghĩ bỏ lại những gì là khuyết tật, “phản văn hóa” trong năm cũ, để tạo dựng nền nếp văn hóa trong năm mới với nhiều mong ước và khát vọng tốt đẹp. Nền nếp đó góp phần tạo nên hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong ngày Tết và cuộc sống thường nhật, lưu giữ đến tận hôm nay.
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới hết sức thiêng liêng, ấm áp. Trong giây phút tĩnh lặng giao hòa giữa con người với thiên nhiên Đất, Trời, mỗi người Việt hướng về nguồn cội, tổ tiên. Giá trị văn hóa Việt “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” như một mạch nguồn trào dâng cảm xúc, gắn với những lời chúc Tết ngọt ngào về một năm mới an lành, hạnh phúc.
Một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Tết Việt thời đại Hồ Chí Minh là Thơ chúc Tết và Thư chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, cả dân tộc từ trẻ đến già, miền ngược miền xuôi, nông thôn thành thị, miền núi hải đảo, vùng sâu vùng xa, đồng bào lương giáo, triệu người như một, hồi hộp, lắng nghe Thơ chúc Tết của Người. Không có nơi nào trên trái đất này như ở Việt Nam, người dân lại háo hức, mong chờ đến giây phút giao thừa để được nghe lời Bác đọc Thơ chúc Tết.
Thơ chúc Tết của Bác ngắn gọn, súc tích, mang chở những giá trị văn hóa lớn. Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa và giá trị văn hóa trong thơ Người càng in đậm trong tim óc người Việt, mang hơi thở và sinh khí của cuộc sống. Đó là một nét độc đáo, đặc sắc trong thơ chúc Tết của Bác.
76 năm trôi qua từ 4 câu thơ trong Thư chúc mừng năm mới Bính Tuất 1946 - Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đến 6 câu thơ trong Thư chúc mừng năm mới Kỷ Dậu 1969 - lời chúc Tết cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác. Đó là ý thơ từ những ngày đầu giữ nền độc lập đến quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, nhưng vẫn tươi mới, chứa đựng sinh lực mới, mang hơi thở và sức Xuân của ngày hôm nay.
Thơ Xuân của Bác tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Những câu thơ năm Kỷ Dậu là một ví dụ điển hình. Người chúc đồng bào:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Nhìn lại quá khứ, khẳng định hiện tại và hướng đến tương lai là một giá trị văn hóa trong thơ chúc Tết của Bác, mang sắc thái, diện mạo, cốt cách Hồ Chí Minh. Mục đích duy nhất, cao nhất xuyên suốt, nhất quán trong cuộc đời Bác là thống nhất đất nước, đem lại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho đồng bào. Đó cũng là Xuân đẹp nhất, vui nhất của Người, của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Văn hóa Tết - Tết văn hóa: Từ truyền thống đến hiện đại
Hơn 75 năm kể từ khi Bác Hồ lập ra chế độ mới Dân chủ Cộng hòa, mỗi khi Tết đến Xuân về, trong Thư chúc mừng năm mới và Thơ chúc Tết, Người đều dặn dò chúng ta không phải ăn Tết mà là đón Tết vui Xuân, một cái Tết hàm chứa những giá trị của cuộc sống và nét đẹp văn hóa như đoàn kết, tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, thi đua yêu nước, diệt giặc lập công, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những người có công…
Những lời chúc năm mới theo phong tục Tết Việt mỗi một giai đoạn có những nội dung, cách nhìn riêng, nhưng xét đến cùng, đều hàm chứa đậm nét và sâu lắng những giá trị văn hóa thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại, cổ truyền và mới mẻ theo từng góc độ khác nhau. Chúc Tết là văn hóa và văn hóa phải thấm sâu trong những lời chúc Tết.
Từ sau ngày Bác Hồ đi xa đến nay, mỗi độ Tết đến Xuân về, vào đêm giao thừa, người lãnh đạo đứng đầu thay mặt Đảng và Nhà nước ta có Lời chúc mừng năm mới gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là việc làm có ý nghĩa, thể hiện sự tiếp nối văn hóa Hồ Chí Minh. Lời chúc Tết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chỉ có ý nghĩa đối với đất nước vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà còn có ý nghĩa đối với bạn bè năm châu, nhân dân các nước vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tiến bộ, hợp tác và phát triển. Ở phương diện hẹp hơn thuộc cá nhân, gia đình, công việc, doanh nghiệp, doanh nhân, văn hóa Tết vẫn tồn tại trong tâm khảm mỗi người Việt Nam qua việc duy trì, phát huy và phát triển những lời chúc Tết với những giá trị mới.
Những lời chúc Tết hàng chục thập kỷ trước ngày nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị như: An khang thịnh vượng, Vạn sự như ý, May mắn, Hạnh phúc, An lành, Phát tài phát lộc... Hàng chục năm qua, mỗi độ Tết đến Xuân về, đội ngũ doanh nhân Việt Nam với những đóng góp to lớn và ý thức được sứ mệnh cao cả của mình đối với đất nước, thường có những lời chúc Tết thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong dòng chảy của văn hóa Tết Việt, nét đặc trưng, đặc sắc nhất trong những lời chúc Tết của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là sự tận tâm, tận lực cống hiến cho dân tộc, nâng cao trình độ quản trị, kinh doanh giỏi, khởi nghiệp sáng tạo, tâm đức, ngay thẳng, khoan dung, nhân ái, trên cái nền bản sắc Việt, hồn cốt Việt. Chữ “Tín” và sự tôn trọng được giới doanh nhân luôn luôn đề cao trên con đường đi tới thành công, cũng là lời chúc Tết hằng năm của những người có sứ mệnh thiêng liêng và cao cả, làm giàu cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Mùa Xuân tiếp nối mùa Xuân là quy luật của tạo hóa. Văn hóa Tết và Tết văn hóa do con người vun bồi, xây đắp phải được duy trì, phát huy, phát triển thành sức mạnh mềm trong công cuộc chấn hưng đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, cùng sải bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ vĩ đại, muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc.