Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Sáng 15/5, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016 và triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm 2016 và dự kiến khả năng thực hiện quý IV/2016, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (tháng 10, 11/2016), Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, trong đó có 11 chỉ tiêu trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đề ra tại Nghị quyết Quốc hội đạt và vượt kế hoạch.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, trong đó tập trung vào những nội dung có thay đổi so với ước thực hiện, cụ thể như sau: Giữ nguyên đánh giá có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21% (kế hoạch đề ra là 6,7%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9% (kế hoạch đề ra là 10%).
Theo số liệu báo cáo bổ sung của 13 chỉ tiêu, so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, có 6 chỉ tiêu đạt cao hơn; 3 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.
Cụ thể là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74% (số đã báo cáo là 4%), nhưng vẫn đạt chỉ tiêu là thấp hơn mục tiêu 5% đã được Quốc hội đã thông qua; tăng trưởng GDP là 6,21% (số đã báo cáo là 6,3% - 6,5%); tỷ lệ che phủ rừng là 41,05% (số đã báo cáo là 41,15%); 4 chỉ tiêu còn lại không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội.
Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, Báo cáo cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công năm 2017 cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương đúng thời gian theo quy định.
Qua triển khai thực hiện, tình hình tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, KT-XH có nhiều cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ.
Sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục đà phục hồi, nhưng một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn như sâu bệnh, giá thịt lợn giảm sâu, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát.... Công nghiệp tăng trưởng tiến bộ. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng tưởng cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước tăng 9,6% so với cùng kỳ. Du lịch có bước khởi động vào mùa khá tốt, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tuy nhiên nhập khẩu tăng trưởng cao hơn xuất khẩu và nhập siêu gia tăng. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng ước đạt 61,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 64,07 tỷ USD, tăng 24,9%. Nhập khẩu tăng mạnh hầu hết là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và nhóm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu là 2,74 tỷ USD, chiếm 4,47% kim ngạch xuất khẩu.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước đã có dấu hiệu khả quan. Ước tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch được Quốc hội thông qua là 19,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (18%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 10,58 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông cũng đều có những chuyển biến tích cực. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cơ bản hoàn thành. Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được thúc đẩy phát triển. Chính sách bảo hiểm y tế, nhà ở xã hội, chính sách người có công được đẩy mạnh triển khai.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2016 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 của Chính phủ cũng như những nội dung trong các báo cáo thẩm tra liên quan đến báo cáo của Chính phủ.
Các ý kiến khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, song những kết quả đạt trong phát triển KT-XH năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là hết sức toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, các ý kiến đánh giá rất cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ ấn tượng mạnh trước sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sự sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho rằng chính sự quyết tâm, quyết liệt này, hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, một Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hiện hữu rõ nét.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhận định, thái độ, quan điểm của Chính phủ trước những vấn đề kìm hãm sự phát triển KT-XH; những vấn đề gây bức xúc trong xã hội là rất rõ ràng, sự chỉ đạo xử lý, tháo gỡ là rất quyết liệt, hiệu quả. Sự quyết tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiếm tạo đã làm cho cả bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương chuyển động và ngày càng đạt được những kết quả tích cực, toàn diện và có ý nghĩa to lớn hơn.
Đánh giá cao những kết quả KT-XH hội đạt được, nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế thời gian qua, trong đó nổi lên là hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được xử lý dứt điểm; ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội có nơi, có chỗ còn chưa nghiêm...
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô bởi đây là yêu cầu tiên quyết để vừa giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, vừa bảo đảm mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, triển khai quyết liệt hơn nữa kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp Nhà nước; quan tâm thúc đẩy tiêu dùng trong nước; phát triển du lịch, dịch vụ - ngành đang có đà tăng trưởng mạnh; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; thực hiện đồng bộ hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục;...
Phát biểu kết thúc thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với với Báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ quốc hội để hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội.
Về đánh giá đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về các chỉ tiêu KT-XH và dự toán cơ bản hoàn thành, các số liệu không có thay đổi lớn, tuy nhiên cũng có một số số liệu có thay đổi so với con số đã báo cáo Quốc hội. Đó là, con số về tăng trưởng, số thu ngân sách, tình hình giải ngân trái phiếu Chính phủ,... Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nguyên nhân cũng như những vấn đề khác mà Báo cáo thẩm tra và các ý kiến phát biểu đề cập, như vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, vấn đề lao động việc làm,...
Đặc biệt, Thường vụ cũng lưu ý phần đánh giá về văn hóa, xã hội, chất lượng cuộc sống, vấn đề giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an ninh mạng, vấn giải quyết khiếu kiện,... cần được nêu tương xứng với vai trò quan trọng của những lĩnh vực này trong Báo cáo của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành, triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý ngân sách, tài sản công có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng cần lưu ý việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm như một số dự án trọng điểm quốc gia vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư còn chậm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm sâu sắc và rõ hơn những vấn đề liên quan đến đến bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước về những thuận lợi, khó khăn, giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017.