Hàng nghìn người ăn mừng sau khi Catalonia tuyên bố độc lập. Ảnh:Reuters. |
Nghị viện Catalonia ngày 27/10 thông qua nghị quyết tuyên bố thành lập nhà nước độc lập. Quyết định trên được đưa ra sau gần một tháng kể từ ngày Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu dân ý với kết quả cho thấy 90% người đi bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Tây Ban Nha. Động thái này lập tức khiến nghị trường thế giới dậy sóng. Người ta lo ngại về những tác động tiềm tàng nó có thể mang lại. Câu hỏi chuyện gì tiếp theo cho Catalonia và Tây Ban Nha đang được rất nhiều người quan tâm, theo Independent.
Phản ứng của Tây Ban Nha
Vài giờ sau khi Catalonia thông báo quyết định, Madrid tuyên bố tước bỏ quyền lực của chính quyền vùng tự trị. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã phế truất thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, phó thủ hiến Oriol Junqueras, giải tán nội các và nghị viện tại đây. Với việc thượng viện phê chuẩn kích hoạt Điều 155 trong hiến pháp, Madrid có thể cách chức lãnh đạo Catalonia và trực tiếp tiếp quản khu vực.
Ông Rajoy kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới cho khu vực vào ngày 21/12 đồng thời sa thải cảnh sát trưởng Catalonia, khẳng định đây là biện pháp cần thiết để khôi phục pháp luật sau cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua.
Các bộ trưởng chính quyền trung ương sẽ trực tiếp nắm quyền những ban ngành liên quan thuộc vùng tự trị cho đến thời điểm cuộc bầu cử khu vực diễn ra.
Bộ Kinh tế Tây Ban Nha đã gia tăng quyền kiểm soát các lĩnh vực tài chính của Catalonia, ngăn chặn khu vực sử dụng quỹ nhà nước để thực hiện những nỗ lực ly khai và bắt đầu trực tiếp chi trả cho các dịch vụ thiết yếu. Theo đề xuất từ Thủ tướng Rajoy, Madrid tương lai sẽ nắm quyền kiểm soát tài chính hoàn toàn. Cũng có khả năng một số người ủng hộ độc lập ở Catalonia sẽ ngừng nộp thuế cho nhà nước Tây Ban Nha.
Văn phòng Công tố Tây Ban Nha cho biết đang chuẩn bị lập hồ sơ khởi tố ông Carles Puigdemont với tội danh nổi loạn. Tội danh trên tương ứng với án tù lên đến 30 năm.
Ông Carles Puigdemont có thể phải đối mặt án phạt 30 năm tù với tội danh nổi loạn. Ảnh:AFP.
Độc lập cho Catalonia?
Catalonia có thực sự được độc lập hay không còn phụ thuộc vào việc chính quyền trung ương Tây Ban Nha và các lãnh đạo vùng tự trị sẵn sàng đi xa tới đâu.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn rằng Catalonia sẽ kháng cự lại tất cả những động thái nhằm áp đặt luật lệ của Madrid lên khu vực. Các cuộc xung đột bạo lực có nguy cơ tái bùng phát.
Hiện chưa rõ một cuộc bầu cử khu vực sớm có thể giải quyết cuộc khủng hoảng đến đâu nhưng các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người ủng hộ và phản đối độc lập ở Catalonia hiện gần như bằng nhau. Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, 90% người đi bỏ phiếu đồng ý tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha, nhưng số lượng cử tri này chỉ chiếm chưa đầy 50% dân số vùng tự trị.
Khó được chấp nhận
Liên minh châu Âu (EU) chưa phản ứng rõ ràng trước tình hình Catalonia song luôn nói rằng họ ủng hộ hiến pháp Tây Ban Nha.
Theo giới quan sát, Ủy Ban châu Âu chưa cho thấy họ muốn đứng ra nhận trách nhiệm trung gian xử lý khủng hoảng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết "không có gì thay đổi" trước việc Catalonia tuyên bố độc lập.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp EU đã lên án cuộc bỏ phiếu của nghị viện Catalonia, khẳng định sẽ không công nhận Catalonia với tư cách quốc gia độc lập.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani chỉ trích việc làm của nghị viện Catalonia là "vi phạm pháp luật", đồng thời nhấn mạnh "không quốc gia nào trong EU công nhận độc lập" cho Catalonia.
Anh đã nêu rõ sẽ không chấp nhận tuyên bố độc lập của Catalonia hay bất kỳ nơi nào khác vì không muốn tạo nên những tiền lệ. Đức, Pháp và Cộng hòa Síp là những quốc gia châu Âu cho hay họ kiên quyết ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từng phát đi một thông báo tương tự.
Nguy cơ xung đột
Các nhóm vận động ly khai chính ở Catalonia đã kêu gọi thực hiện bất tuân dân sự rộng rãi. Họ còn chỉ thị cho các quan chức vùng không tuân thủ những mệnh lệnh từ Madrid và phản ứng bằng cách kháng cự ôn hòa. Tuy nhiên, chưa rõ lời kêu gọi trên có được làm theo hay không.
Chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho biết họ không có kế hoạch bắt giữ đối với những nhóm vận động này nhưng không rõ Madrid sẽ hành động ra sao nếu những quan chức chính quyền Catalonia hiện nay từ chối rời bỏ vị trí.
Các nhà phân tích lo sợ tình thế trên có thể dẫn tới xung đột bạo lực nếu lực lượng cảnh sát quốc gia tìm cách can thiệp. Trong quãng thời gian Catalonia tiến hành trưng cầu dân ý, cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha từng áp dụng những biện pháp ngăn chặn cứng rắn, khiến căng thẳng leo thang.
Thủ tướng Rajoy thông báo sẽ sa thải người đứng đầu Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát Catalonia. Nhưng một nhóm ủng hộ độc lập thuộc Mossos d'Esquadra đã tuyên bố họ sẽ không tuân thủ các mệnh lệnh từ chính quyền trung ương và từ chối dùng vũ lực để loại bỏ quyền lực của các nhà lập pháp khu vực.
Reuters dẫn lời một số quan chức Catalonia cho hay lực lượng ủng hộ và phản đối độc lập bên trong Mossos d'Esquadra hiện ngang bằng.