Trung Quốc "chê" than Việt, Bộ Công Thương kiến nghị tăng xuất sang Nhật (ảnh minh họa). |
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, kế hoạch xuất khẩu ban đầu năm 2017 của ngành than là 2 triệu tấn than cục, than cán loại 1,2,3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu và 2 triệu tấn than cam loại 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, do Trung Quốc yêu cầu các loại than nhập khẩu từ Việt Nam trước khi pha trộn sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, asen, phốt pho, clo, flo...
Thời gian qua, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đối tác, bạn hàng Trung Quốc đã tích cực phối hợp, nhiều lần lấy mẫu và phân tích mẫu than antraxit do TKV sản xuất nhưng không đáp ứng được yêu cầu.
Chính vì vậy, hiện khu vực than Vàng Danh - Uông Bí tồn khoảng 2,5 triệu tấn than cán nói trên.
Theo báo cáo của TKV, sản lượng than thương phẩm năm 2018 của tập đoàn dự kiến là 36 triệu tấn, tiêu thụ trong nước là 32 triệu tấn, dành xuất khẩu 4 triệu tấn. Theo báo cáo của Tổng công ty Đông Bắc, sản lượng than thương phẩm tiêu thụ năm 2018 là 5,8 triệu tấn, xuất khẩu chỉ trên 50.000 tấn.
Tổng khối lượng than xuất khẩu dự kiến cả năm 2018 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là khoảng 4,05 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu than năm 2018 đã được Thủ tướng thông qua.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng phê duyệt, xem xét thông qua kế hoạch xuất khẩu than năm 2018 theo hướng chấp nhận xuất khẩu 4.05 triệu tấn than của TKV và 50.000 tấn than của Tổng công ty Đông Bắc. Mức sản lượng vượt dự kiến trong kế hoạch đã được Thủ tướng thông qua từ năm 2016.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép TKV ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (loại 1, 2, 3) cho phía Nhật Bản do trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết..
Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu than dài hạn sang Nhật giúp Việt Nam duy trì và khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) xem xét cấp cho TKV, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, phát triển, có thêm nguồn ngoại tệ cho việc nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, nhập khẩu than cho phát điện.