TP.HCM sắp “trình làng” Đề án HCMC Smart City

(BĐT) - Tại cuộc họp Ban điều hành Đề án Thành phố thông minh (Đề án HCMC Smart City) diễn ra chiều ngày 6/2/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự kiến  ngày 10/3 tới, TP.HCM sẽ hoàn chỉnh và thông qua Đề án.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trước khi thông qua, Đề án sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân thông qua kênh báo chí và hội đồng tư vấn. 10 lĩnh vực then chốt được ưu tiên thực hiện khi xây dựng Đề án Thành phố thông minh gồm: y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường...

Trong quý I/2017, Thành phố sẽ bắt đầu triển khai khảo sát dữ liệu ở các sở, ngành để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung cho toàn Thành phố, trước mắt là dữ liệu về doanh nghiệp và dân cư. Sau khi hoàn chỉnh Đề án, trong tháng 3/2017 sẽ trình Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét và lấy ý kiến người dân về đề án trước khi thực hiện.

Việc xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh được giới chuyên môn đánh giá như là một cuộc cách mạng về cơ chế, pháp lý vì trước đó chưa có tiền lệ. Trong quá trình chuyển đổi đó, từ một đô thị thực sang một đô thị thông minh có thực có ảo đương nhiên bên cạnh những thuận lợi sẽ phát sinh rất nhiều thách thức, khó khăn, tốn kém.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, ba công việc cốt lõi phải làm để xây dựng thành phố thông minh là xây dựng trung tâm dữ liệu, nền công nghệ thông tin và công nghệ trong các lĩnh vực hiện đã được hậu thuẫn chu đáo. Có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn mong muốn sẽ đồng hành cùng Thành phố để xây dựng thành phố thông minh. Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính quyền Thành phố đã đồng ý cho VNPT kết hợp với Microsoft trên cơ sở là đơn vị đối tác khung cho đề án này.

Tại cuộc họp, đại diện VNPT cho biết, đơn vị này đã xây dựng đề án và gửi các sở, ban ngành góp ý từ trước Tết, tuy nhiên vẫn chưa có sự phản hồi từ các ngành. Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu đến 10/2, lãnh đạo các đơn vị, ngành phải đọc và ký vào bản cho ý kiến về đề án. Ông Tuyến cho rằng, việc các sở, ngành cho ý kiến là không khó, vì thực tế từng ngành đã triển khai các giải pháp công nghệ áp dụng và công việc thực tiễn của mình.

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ tại các cơ quan hành chính ở TP.HCM cũng được người dân đánh giá cao. Thời gian qua, việc giải quyết thủ tục hành chính ở UBND Quận 1 đã được rất nhiều người dân đánh giá tốt, mang lại hiệu quả, nhanh chóng bởi đơn vị đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này. Những thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đều được cán bộ giải quyết nhanh chóng chỉ bằng vài lần nhấp chuột. Có thể nói, việc xây dựng chính quyền điện tử bước đầu được người dân và doanh nghiệp ủng hộ nhiệt tình và Đề án Thành phố thông minh chính là chìa khóa có thể giải mã những bất cập về thủ tục hành chính tồn tại lâu nay.                

Chuyên đề