Sơ đồ tuyến metro số 5 của TP HCM. |
UBND TP HCM vừa đồng ý chủ trương mời gọi rộng rãi, công khai các nhà đầu tư nghiên cứu, lập đề xuất dự án tuyến metro số 5 (giai đoạn 2b) theo hình thức hợp tác Công - Tư (PPP).
Sau khi các báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, UBND thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tuyến metro số 5 (giai đoạn 2b) đoạn từ nhà ga Đại học Y dược đến nhà ga Bến xe Cần Giuộc hiện nay chưa có nhà đầu tư nghiên cứu nên chưa xác định được dự kiến nguồn vốn đầu tư.
Dự án này trước đó đã được tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) đề nghị được tự bỏ chi phí triển khai nghiên cứu, lập đề xuất hồi đầu năm 2017 trong thời gian 9 tháng.
Tuy nhiên, theo tập đoàn này, do đây là dự án có quy mô lớn và rất quan trọng nên có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc trong công tác triển khai để phù hợp với chính sách quốc gia, các quy định và luật lệ liên quan, khả năng tài chính cũng như các vấn đề kỹ thuật.
Mặt khác, trong thời gian qua Lotte E&C cũng có những khó khăn nhất định trong công tác tổ chức nội bộ tại Hàn Quốc. Vì vậy, tập đoàn này đang xin gia hạn thêm thời gian nghiên cứu.
Theo quy hoạch, tuyến metro thứ 5 của TP HCM dài hơn 24 km, có lộ trình: Bến xe Cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn.
Toàn dự án này có tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dự kiến hơn 41.600 tỷ đồng. Số tiền này đã được các nhà tài trợ cam kết, do đó nguồn vốn đầu tư giai đoạn này cơ bản được bảo đảm để thực hiện.
Giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có tổng mức khoảng hơn 57.100 tỷ đồng.
TP HCM đang triển khai xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng mức vốn 2,4 tỷ USD bằng nguồn vốn ODA tài trợ của Nhật Bản. Tuyến metro đầu tiên của thành phố dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2020.