Tín dụng 2021: Nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2021 sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế khác để ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chỉ đạo điều hành tín dụng theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhưng không hạ chuẩn cho vay và định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 12%.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành tín dụng theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành tín dụng theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, năm 2020, mặc dù tín dụng trong quý I và quý II tăng trưởng chậm, nhưng đã phục hồi trong 2 quý cuối năm. Tuy nhiên, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Tính đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so cùng kỳ năm 2019. Dự kiến năm 2020, tín dụng có thể tăng 10,5 - 11%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên...

Cụ thể, tín dụng cho xuất khẩu tăng 10,4%, tín dụng cho nông nghiệp tăng 9,8%, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%. Trong khi đó, tín dụng với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát và giảm dần, như tín dụng trong lĩnh vực BOT, giao thông giảm 0,59%, tín dụng cho chứng khoán chỉ tăng nhẹ 0,2%.

Không chỉ ảnh hưởng đến cầu tín dụng, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tín dụng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 26% tổng dư nợ toàn hệ thống. Ngoài ra, có khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ngân hàng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN xác định năm 2020 là năm vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm. Vì vậy, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với tác động của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, lũ lụt để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Nhờ đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt hoạt động.

Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng thời gian tới, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Cụ thể, điều hành CSTT (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng…

Chuyên đề