Tìm cách gỡ vướng giải ngân đầu tư công ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của ngành y tế vẫn đạt thấp.
Tính đến ngày 30/7/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2019 của ngành y tế đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến ngày 30/7/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2019 của ngành y tế đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Ảnh: Lê Tiên

Tại buổi làm việc mới đây giữa hai cơ quan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Bộ Y tế thành lập một “đội đặc nhiệm” để rà soát, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công. Nếu không tiêu hết tiền thì phải đề xuất trả lại để Trung ương điều chuyển cho các dự án ưu tiên khác.

Thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế có 90 dự án với tổng vốn đầu tư là 32,052 nghìn tỷ đồng, sau khi điều chỉnh giảm vốn nước ngoài, còn 29.576 tỷ đồng. Đến nay đã giao cho các dự án 27.433,53 tỷ đồng, đạt 92,8%; còn lại 2.151,97 tỷ đồng chưa được giao, gồm vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) 1.427,05 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 724,92 tỷ đồng).

Về giải ngân vốn giai đoạn 2016 - 2019, đến ngày 30/7/2020, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN đạt 92%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn TPCP thấp, chỉ đạt 25,6% (do 2 dự án có vốn lớn là Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Nhật - Chợ Rẫy cơ sở 2, Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 Trường Đại học Dược Hà Nội không giải ngân được), vốn ODA đạt 53,5%, dẫn đến tỷ lệ giải ngân chung chỉ đạt 60%.

Đối với kế hoạch vốn năm 2020, Bộ Y tế được giao 6.569,6 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 5.469 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.100,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 15% (vốn 2 bệnh viện tuyến cuối đạt 19%, vốn TPCP đạt 0%, vốn NSNN là 9,7%, vốn nước ngoài là 27%). Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt 6% (vốn trong nước là 40,8%, vốn TPCP là 7%).

Nguyên nhân của tỷ lệ giải ngân thấp, theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, là do các dự án bị dồn toa trong suốt nhiều năm, đến năm nay lại càng khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn ngành phải dồn toàn bộ lực lượng để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được như: giải phóng mặt bằng (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nội tiết Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ...), tổ chức lựa chọn nhà thầu (Dự án Xây dựng cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu nghị Việt Nhật sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 của Trường ĐH Dược Hà Nội sử dụng vốn của Hàn Quốc), điều chỉnh hợp đồng của Dự án Bệnh viện Bạch Mai 2, Dự án Bệnh viện Việt Đức 2...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất cơ chế điều chỉnh hợp đồng Dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Dự án Bệnh viện Việt Đức 2 từ hợp đồng hỗn hợp sang hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thanh toán khối lượng thực tế nghiệm thu và đơn giá theo quy định, cho phép điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán trước khi thanh, quyết toán. Đối với một số dự án sử dụng vốn ODA, Bộ Y tế đề nghị gia hạn thời gian thực hiện Dự án Bệnh viện Việt Đức 2, Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy (sử dụng ODA của Chính phủ Áo)...; thúc đẩy nhà tài trợ sớm hoàn thành thiết kế, dự toán Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2...

Chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc Trung ương dành ra hơn 20.000 tỷ đồng vốn TPCP để đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối của ngành y tế là một quyết sách mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên cũng như đánh giá về mức độ cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, các dự án đã được phê duyệt từ năm 2012 - 2013, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được là quá chậm. Không thể để tiếp diễn tình trạng có tiền nhưng lại không thể tiêu hết được.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Bộ Y tế cần phải thành lập một đội đặc nhiệm, có thể phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đội đặc nhiệm này có trách nhiệm rà soát từng dự án, từng vấn đề khúc mắc, nếu vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay để giải quyết nhanh và có hiệu quả kịp thời.

“Nếu rà soát rồi mà vẫn không tiêu được tiền, thì phải trả lại để điều chuyển cho các dự án ưu tiên khác. Nếu không trả lại thì cũng sẽ bị thu lại. Điều này đã được Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ. Trả lại không có nghĩa là mất, mà sẽ được bố trí trong giai đoạn tới, đồng thời giảm đi áp lực giải ngân thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.

Chuyên đề