Ảnh minh họa |
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chất vấn Thủ tướng Chính phủ: Việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính về thực trạng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân… đã được nêu rất cụ thể tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các giải pháp được Chính phủ triển khai thực hiện nhiều năm nay chưa thực sự hiệu quả, tiến độ còn quá chậm.
Nay trước áp lực cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xin Thủ tướng cho biết quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ có giải pháp nào mang tính đột phá, tạo ra một cuộc cách mạng, một cơn lốc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trong toàn hệ thống? (giống như dân ta đón nhận Internet, sử dụng Google, Facebook…). Khi nào thì ta xây dựng được Chính phủ điện tử thực sự.
Về chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Công nghệ thông tin là một ngành, lĩnh vực trọng tâm đang phát triển rất nhanh, được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng trong đó có Việt Nam. Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có phần đóng góp quan trọng, mang tính mở đường của ngành công nghệ thông tin, viễn thông.
Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Một trong các chủ trương lớn được Chính phủ tập trung chỉ đạo là xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ cải cách hành chính.
Nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả và công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện các thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện với một số kết quả đạt được. Cụ thể, năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được LHQ xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193.
Cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan; có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trừ một số bộ, cơ quan đặc thù.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được ban hành tại các Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2779/VPCP-KGVX ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ; nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 có số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn, ví dụ: Bộ Công an: 8.834.680 hồ sơ (cấp hộ chiếu và khai báo tạm trú); Bộ Công Thương 771.661 hồ sơ; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 270.000 hồ sơ; Bộ Giao thông vận tải: 144.189 hồ sơ (cấp giấy phép lái xe và giấy phép kinh doanh vận tải)…; Hà Nội: 225.173 hồ sơ; Lâm Đồng: 110.625 hồ sơ; Cà Mau: 95.018 hồ sơ; Thái Nguyên: 91.201 hồ sơ; Hà Nam: 81.929 hồ sơ:…).
Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, đặc biệt trong năm 2017 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông, mở rộng thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ điện tử dần đi vào thực chất, các bộ, ngành, địa phương, cùng với việc tích cực triển khai các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, các kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Theo thống kê, đến nay tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a mới đạt 61,9%. Một số nhiệm vụ của bộ, ngành đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai một số giải pháp cụ thể. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (các chính sách về đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, tạo thị trường cho sản phẩm công nghệ thông tin trong nước…).
Tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội; khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu quốc gia, được coi là khối tài sản thông tin chung làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, nhà nước, tại tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền để phục vụ cải cách hành chính, trong đó người đứng đầu các cơ quan phải gương mẫu thực hiện trước.
Nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên Hiệp quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); thường xuyên phối hợp với các cơ quan điều tra, đánh giá của Liên hiệp quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam.
Khẩn trương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân (dự kiến trong kỳ họp thứ 5 năm 2018 Quốc hội khóa XIV), nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước.
Tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin trong toàn xã hội và trong hệ thống các cơ quan nhà nước, xác định công nghệ thông tin là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên tinh thần không chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là có tính thời sự quốc tế mà cần có các biện pháp, hành động cụ thể.
Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Về tiến độ hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử thực sự, trong năm 2018, để đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, đối với Văn phòng Chính phủ, đơn vị chủ trì trong việc tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 36a tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về: Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương năm 2018; Kế hoạch xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản bốn cấp chính quyền hành; Kế hoạch thực hiện Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện kết nối, liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 12 năm 2018; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và các văn bản liên quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, 4G, tháo gỡ khó khăn (cước phí, băng tần) trong việc phân bổ tài nguyên viễn thông, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia, hướng dẫn các bộ, ngành địa phương kết nối, tích hợp dữ liệu thông qua nền tảng này.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức xây dựng các Cơ sở dữ liệu quốc gia được giao tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong quá trình triển khai, nhất là đối với các cơ sở dữ liệu đi kèm với dịch vụ công; Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với phát triển sản phẩm trọng điểm thẻ căn cước điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, hoàn thành trước tháng 9 năm 2018; hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, đã xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong hàng chục năm qua, quá trình này vẫn được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục để bắt kịp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội, người dân và sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.