Hình thức đàm phán cạnh tranh được kỳ vọng mang lại những bước tiến mới đối với dự án PPP trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 38 Luật PPP và Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, đàm phán cạnh tranh được áp dụng đối với dự án ứng dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Đối với những dự án này, cơ quan có thẩm quyền chỉ xác định yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như yêu cầu sơ bộ về tài chính thương mại để nhà đầu tư chào các giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Cơ quan có thẩm quyền (bên mời thầu) sẽ xác định các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, chứng minh được công nghệ đề xuất để tiến hành tổ chức trao đổi, đàm phán nhằm đạt được sự hiểu biết chung về cách thức triển khai dự án giữa cơ quan có thẩm quyền và các nhà đầu tư tiềm năng.
Có thể thấy rằng thông qua hình thức đàm phán cạnh tranh, đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư được tăng cường. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền (bên mời thầu) sẽ nắm rõ được các chi tiết, điểm mạnh, điểm yếu về mặt kỹ thuật và tài chính thương mại của các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mà nhà đầu tư đề xuất.
Ngày 16/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022). Trong đó, Phụ lục II và Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này quy định về mẫu hồ sơ mời đàm phán và hồ sơ mời thầu đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 38 Luật PPP. Việc mẫu hóa các hồ sơ này sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án áp dụng hình thức này.
Vậy dự án PPP công nghệ cao, công nghệ mới nào được áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư?
Theo quy định tại Chương III Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT, kỹ thuật, công nghệ mà nhà đầu tư dự kiến đề xuất thực hiện dự án công nghệ cao, công nghệ mới phải đáp ứng yêu cầu sau: thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg đối với dự án ứng dụng công nghệ cao; thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP đối với dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hoặc được Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công bố công nghệ mới được tạo ra tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định 76/2018/NĐ-CP đối với dự án ứng dụng công nghệ mới.
Khi nộp hồ sơ dự đàm phán, nhà đầu tư phải chứng minh có quyền sử dụng hợp pháp kỹ thuật và công nghệ dự kiến đề xuất thực hiện dự án thông qua các tài liệu cụ thể như sau: văn bản bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc đơn đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghệ hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật và giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (đối với trường hợp thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ) hoặc quyết định công bố công nghệ mới được tạo ra tại Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ.