Thủ tướng tọa đàm với các doanh nghiệp công nghệ cao Nhật Bản
Tiếp tục các hoạt động bên lề Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và chuyến thăm Nhật Bản, ngày 10/10, tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Toạ đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao; tiếp Chủ tịch Ngân hàng MUFG và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi.
Thủ tướng phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: VGP
* Tại buổi Tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận và nắm bắt các cơ hội phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng các cơ hội áp dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng công nghệ thông tin; mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ là những ngọn hải đăng trong việc phát triển những lĩnh vực này ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản thiết lập các cụm sản xuất cung ứng có thể bổ trợ cho nhau ở Việt Nam trong cùng một ngành công nghiệp, để từ đó, tăng hàm lượng nội địa hoá.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp; khẳng định phương châm cùng đồng hành phát triển với các doanh nghiệp, theo đó, sẽ nỗ lực xử lý các vấn đề đặt ra để các doanh nghiệp Nhật Bản vừa tiếp tục đầu tư, kinh doanh thành công, vừa đóng góp tích cực cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.
Ảnh: VGP
Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp cho biết đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng lại cho hệ thống các công ty của Nhật Bản; mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực phân phối, kết nối hạ tầng, xây dựng các trung tâm dữ liệu, trung tâm vận hành toàn cầu tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nhiều nội dung cụ thể khác. Các doanh nghiệp cam kết nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như gìn giữ, phát huy mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ngân hàng MUFG. Ảnh: VGP
* Trao đổi với Tổng giám đốc ngân hàng MUFG ông Kanetsugu Mike, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của MUFG, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, và mong rằng ngân hàng tiếp tục là một cầu nối quan trọng thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, tham gia cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng.
Hình ảnh tại buổi tiếp. Ảnh: VGP
Tổng giám đốc MUFJ cảm ơn Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công ty tại Việt Nam, cam kết nỗ lực xúc tiến các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, góp phần cho sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hai nước.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Misubishi. Ảnh: VGP
* Tại buổi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Misubishi ông Takehiro Kakeuchi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mitsubishi nghiên cứu đầu tư vào các dự án quy mô lớn như các thành phố thông minh ở các địa phương Việt Nam, xây dựng cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng, đầu tư các dây chuyền chế biến để sản xuất các sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam, nhất là cà phê và chè để đưa các sản phẩm này ra thị trường thế giới.
Chủ tịch Mitsubishi cam kết đầu tư vào Việt Nam ở mức vốn cao nhất, thúc đẩy đưa các ý tưởng mới và nghiên cứu mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực như Thủ tướng đề xuất.