Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với cán bộ, người lao động Vietinbank. Ảnh: VGP |
Đây là những đơn vị kinh doanh đầu tiên Thủ tướng tới thăm dịp đầu năm mới Mậu Tuất.
Phát biểu với cán bộ, người lao động Vietinbank tại 155 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, Thủ tướng chuyển lời thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến toàn thể 24.000 cán bộ, nhân viên Vietinbank, chúc mừng những thành tích quan trọng mà ngân hàng đạt được trong năm qua.
Thủ tướng đánh giá cao Vietinbank đã cổ phần hóa thành công, phát triển nhanh dịch vụ công nghệ ngân hàng, nỗ lực trong xử lý nợ xấu, bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng để củng cố niềm tin với khách hàng. Ngân hàng cũng đã bảo đảm vốn cho các ngành và các dự án quan trọng của đất nước, hướng vào các mục tiêu Chính phủ đặt ra như xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là dành sự quan tâm đến công tác an sinh xã hội, nhất là các trường hợp hoàn cảnh khó khăn.
Nhấn mạnh năm 2018 là năm bản lề của giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng yêu cầu Vietinbank nỗ lực đóng góp vào thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, trong đó cần chú trọng tăng cường năng lực tài chính; nâng cao năng lực quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngân hàng cần xây dựng giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và kiểm soát cơ cấu tín dụng, nghiên cứu vận dụng các chủ trương của Chính phủ trong việc ưu tiên những lĩnh vực mà Chính phủ quan tâm. Cùng với đó Vietinbank tiếp tục xử lý nợ xấu; tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Với hệ thống chi nhánh rộng khắp, Vietinbank cần bảo đảm có hệ thống quản trị tốt và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút nhân tài bởi “muốn hội nhập tốt cần có nhân lực tốt”.
Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, gặp mặt cán bộ, nhân viên Vietcombank. Ảnh: VGP
Báo cáo Thủ tướng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2017, toàn hệ thống VCB đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận tăng thêm 3.000 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 33% so năm 2016 và là ngân hàng đầu tiên chinh phục lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất vào ngân sách so với các ngân hàng. Cùng với đó, VCB cũng tích cực xử lý hiệu quả và đưa nợ xấu về mức thấp nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng ấn tượng về tinh thần làm việc, văn minh ngân hàng của VCB, và điều đó giúp ngân hàng này nhận được sự tin tưởng của khách hàng, xã hội. Thủ tướng cho rằng VCB là ngân hàng thương mại được đánh giá cao ở nhiều phương diện, phát huy tốt truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp VCB đạt kết quả tốt như năm qua là nhờ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào và có chiến lược phát triển đúng đắn.
VCB đã đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Chính phủ, trong đó, hiện ngân hàng có mức lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, dù lãi suất huy động không giảm. Trong một thời gian ngắn, tổng tài sản của ngân hàng đã vượt 1 triệu tỷ đồng; nợ xấu đưa về mức 1,1%, mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng hiện nay; lợi nhuận trước thuế đạt tỉ lệ cao. Trong các thành tích đạt được, Thủ tướng ấn tượng về việc VCB thực hiện tốt các nhiệm vụ và các ưu tiên mà Chính phủ đưa ra.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu VCB xác định tầm nhìn là ngân hàng tầm cỡ khu vực ở châu Á, từ đó các cán bộ, nhân viên xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ. VCB cũng không thỏa mãn với quy mô, uy tín hiện nay mà phải vươn lên, góp phần đưa nền kinh tế phát triển hơn nữa, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
Thủ tướng yêu cầu Vietcombank xác định tầm nhìn là ngân hàng tầm cỡ khu vực ở châu Á. Ảnh: VGP
Thủ tướng cũng yêu cầu VCB có giải pháp bảo đảm chất lượng tín dụng và tiếp tục kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Nhấn mạnh Chính phủ lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, Thủ tướng yêu cầu VCB lấy khách hàng là trọng tâm phục vụ. Cùng với đó là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.