Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa. Ảnh: VGP |
Vui mừng gặp lại bà Kwakwa, người bạn thân thiết, gắn bó với Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, WB và Việt Nam đã có sự hợp tác hiệu quả. Trong “Báo cáo 2035” (2016) WB đã có những đánh giá tích cực về Việt Nam không chỉ về mặt tài chính mà nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam luôn đánh giá cao vị thế của WB trong các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Bà Kwakwa bày tỏ vui mừng được quay trở lại Việt Nam và tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác của WB tại Việt Nam. Bà ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 và Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Góp ý cho Việt Nam, bà Kwakwa mong muốn Việt Nam thúc đẩy đánh giá rủi ro và cơ cấu lại hệ thống tài chính cũng như có đột phá trong xử lý nợ xấu. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác này và mong muốn giúp Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự thúc đẩy sự phát triển bao trùm của hệ thống tài chính.
Với nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn, WB cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong huy động nguồn lực để phát triển. Bên cạnh thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư (PPP) thì WB cũng muốn giúp Việt Nam xây dựng cơ chế, thu hút nhiều hơn vốn từ khu vực tư nhân bằng các hình thức khác.
Việt Nam cần đưa ra danh sách các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư và WB có thể tham gia hỗ trợ như dự án đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong bối cảnh Việt Nam gần đến trần nợ công, khó tiếp cận các khoản vay, WB mong muốn hợp tác với Việt Nam xây dựng các biện pháp mang tính chiến lược để giải quyết vấn đề này.
Ảnh: VGP
Trong đó, vấn đề hợp tác PPP là rất quan trọng với Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã có quy định về vấn đề hợp tác PPP, tuy nhiên vẫn chưa thu hút hiệu quả vốn đầu tư tư nhân. Do vậy, Thủ tướng mong muốn hợp tác với WB trong việc xây dựng thể chế để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân trong bối cảnh trần nợ công đặt ra.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hợp tác với WB tại Việt Nam để nghiên cứu, xây dựng thể chế về việc huy động vốn tư nhân hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao WB trong xây dựng Khung Đối tác quốc gia Việt Nam 2017-2022. Đây là văn bản quan trọng định hình hợp tác Việt Nam-WB trong 5 năm tới với 3 trọng tâm là: Phát triển bao trùm và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Cho biết Việt Nam đã hoàn thành đàm phán, tiếp nhận toàn bộ số vốn của kỳ IDA 17 với khoảng 3,8 tỷ USD vốn IDA ưu đãi, Thủ tướng cảm ơn WB và bà Phó Chủ tịch về xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phù hợp cho Việt Nam trong kỳ IDA 18.
Cho biết Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng mong WB tư vấn, có hình thức phối hợp với các nhà tài trợ khác như ADB, AIIB để đồng tài trợ.