Thử thách người cầm lái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ cảm nhận về một năm qua đi và một mùa xuân mới đang đến với đất nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: “Chúng ta đã khép lại một năm Tân Sửu với những nhọc nhằn và hy sinh của đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu, những vấp váp và sự lúng túng khó tránh khỏi trong công tác chống dịch. Song, sau những nỗ lực vừa làm vừa lắng nghe và điều chỉnh, những chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng hiện rõ”.
Định hướng phục hồi kinh tế thời gian tới đòi hỏi vượt lên, vươn cao hơn trong môi trường cạnh tranh mới. Ảnh: Đông Giang
Định hướng phục hồi kinh tế thời gian tới đòi hỏi vượt lên, vươn cao hơn trong môi trường cạnh tranh mới. Ảnh: Đông Giang

“Test” năng lực lãnh đạo

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, những bất ổn do dịch bệnh trong năm qua, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 khiến nhiều tỉnh, thành phố phía Nam bị giãn cách, đóng cửa nhiều tháng tác động lớn đến người dân và nền kinh tế, đồng thời cũng làm lộ rõ những vấn đề trong hệ thống, kể cả tầm vóc của người lãnh đạo các cấp khác nhau.

Thực tế, Covid-19 đến bất ngờ, bất thường, rất khó dự đoán gây lúng túng với hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Có thể nhận thấy rõ là Chính phủ đã “lắng nghe một cách thấu đáo” ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành và địa phương. Song, trước một tình huống chưa có tiền lệ, “9 người sẽ có 10 ý” và việc lựa chọn phương án thực thi là không dễ dàng. Điều đọng lại và ấn tượng xuyên suốt trong năm qua là sự nỗ lực hết mình của Chính phủ, các cấp lãnh đạo trung ương nhằm tìm mọi cách giải bài toán ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp gắng vượt qua gian khó và tận dụng cơ hội khôi phục sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, đôi lúc đôi chỗ vẫn có sự lúng túng trong công tác điều hành, đặc biệt ở cấp địa phương. Các chính quyền địa phương được giao trách nhiệm đảm bảo kiểm soát dịch Covid-19 và được quyết định thực hiện các biện pháp áp dụng trong tình hình thực tế. Tuy nhiên, một số địa phương áp dụng một cách cứng nhắc khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số địa phương có tinh thần trách nhiệm cao, quan sát thực tiễn đặc thù của từng vùng, miền để có cách áp dụng linh hoạt và điều chỉnh khi thấy không phù hợp. Thực tế cho thấy, những địa phương nào dám làm, dám quyết định thì dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn dần được khắc phục, số ca lây nhiễm có thể nhiều nhưng hạn chế được tình trạng trở nặng và tử vong.

Sự cứng nhắc nêu trên một phần xuất phát từ tâm lý sợ trách nhiệm, hay nói cách khác, chỉ tìm cách làm đúng theo chỉ đạo, đúng quy trình mà không xem xét những diễn biến thực tế tại từng vùng, địa phương để đề xuất hướng thực hiện phù hợp hơn.

Có những địa phương áp dụng các hình thức kiểm soát đi lại, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp hết sức ngặt nghèo. Bên cạnh đó, tình trạng “ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương là điều đáng trách của cơ quan quản lý chuyên ngành và cả chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Hậu quả là, người dân và doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khổ một cách khó hiểu.

Bao nhiêu quốc lộ trở thành tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ và mỗi nơi tự lập rào chắn riêng. Có địa phương trong một thời gian ngắn liên tục điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường khiến người dân và doanh nghiệp “điên đầu”. Có doanh nghiệp tạm thời ngừng sản xuất vì dịch, muốn cử người đến trông nom nhà xưởng nhưng không thể vì thủ tục giấy phép đi đường quá phức tạp. Có tình trạng dở khóc dở cười đã xảy ra như công an phường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp danh sách nhân viên đi làm với cả sổ lương, sổ bảo hiểm.

Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh song có lẽ đây là lần đầu tiên việc phòng chống dịch bệnh diễn ra trên diện rộng với quy mô rất lớn. Người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, lan tỏa đến từng người dân để vừa chống dịch, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Từ công tác phòng, chống dịch bệnh, có thể đánh giá được ý thức của từng người, từng vị trí công tác, khả năng ra quyết định của vị trí lãnh đạo.

Lắng nghe và hành động

Đương đầu với khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách chèo chống, chấp nhận tốn chi phí lớn để xét nghiệm, tổ chức làm việc theo yêu cầu chống dịch với kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tích cực sau đó.

Đồng thời, một số chính sách hỗ trợ từ Chính phủ dù không lớn song có thể coi là sự động viên và tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp sức và nỗ lực vươn lên.

Tiếp đó, khi đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine diện rộng, từ tháng 10/2021, chủ trương chuyển hướng chính sách từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn” tại Nghị quyết 128 đã tạo điểm cân bằng giữa chống dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế bật tăng trở lại trong quý IV/2021 sau mức giảm kỷ lục hơn 6% trong quý III, giúp GDP cả năm tăng trưởng 2,58%.

Giờ đây, khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát một cách chủ động, nhiều điểm hạn chế và những vấn đề khác của kinh tế - xã hội đã tồn tại từ nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. Đơn cử, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc lại tái diễn mà các bộ, ngành và các bên liên quan vẫn chưa thể đưa ra giải pháp triệt để, hiệu quả.

Thời gian tới, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải đương đầu với rất nhiều thử thách. Bởi định hướng phục hồi kinh tế lần này đòi hỏi vượt lên, vươn cao hơn trong môi trường cạnh tranh mới chứ không chỉ duy trì sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp vẫn đang khó trăm bề do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí trả lương tăng, sức mua tiêu dùng của người dân chưa phục hồi. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động, đầu tư mạnh vào công nghệ nhưng nguồn lực rất hạn chế. Để giải bài toán khó này, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ.

Do đó, trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo phải xem lại cách thức làm việc, cần có khát khao đổi mới, có trách nhiệm với người dân, với ngành, lĩnh vực phụ trách, với địa phương mình quản lý. Đồng thời, cần có nhận thức, tầm nhìn rộng và xa hơn để đưa ra quyết định. Các quyết sách không chỉ chú trọng vào phục hồi trong một, hai năm mà phải tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển bền vững và lâu dài.

Mặt khác, lãnh đạo cần có ý thức lắng nghe, tôn trọng các ý kiến chuyên môn để có động thái chính sách phù hợp. Lắng nghe và hành động cũng là biểu hiện năng lực quản trị của người đứng đầu.

“Đã qua những tháng ngày xao động vì dịch bệnh, đời sống kinh tế - xã hội đã trở lại với sự sôi động và đầy sức sống gần như trước. Giai đoạn khó khăn vừa qua cũng là một lần “thử lửa”, tôi luyện kỹ năng, bản lĩnh để những người lãnh đạo nhìn nhận rõ hơn những đòi hỏi của thời cuộc. Từ đó, các quyết sách có ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh sẽ được xây dựng từ lợi ích của người dân, của doanh nghiệp để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới...”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Chuyên đề