Tăng VAT sẽ giảm cầu tiêu dùng?

(BĐT) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kích cầu tiêu dùng nội địa. 
Theo các chuyên gia, mặc dù đề xuất tăng thuế VAT thông thường lên 12% không áp dụng cho nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, nhưng người tiêu dùng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Ảnh: Lê Tiên
Theo các chuyên gia, mặc dù đề xuất tăng thuế VAT thông thường lên 12% không áp dụng cho nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, nhưng người tiêu dùng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính lại đề tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12%, nhiều lo ngại đề xuất này nếu thành hiện thực sẽ hạn chế tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp.

Tăng thuế VAT sẽ kéo giảm sức mua

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức thuế 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế này sẽ tăng thu ngân sách và tác động không nhiều lên người nghèo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm nếu tiếp tục tăng thuế, chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến người nghèo, kìm hãm sức mua, tác động xấu đến sự phát triển của doanh nghiệp (DN).

Trao đổi với Báo Đấu thầu, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho biết cần cân nhắc kỹ về đề xuất tăng thuế VAT trong bối cảnh hiện nay. “Thực tế thuế VAT của Việt Nam hiện đã cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách cũng đã cao hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới. Nếu còn tiếp tục tăng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, DN, nền kinh tế nói chung”, ông Lược nói và “phản bác” quan điểm của Bộ Tài chính khi đưa ra lập luận muốn tăng thuế vì thuế VAT của Việt Nam đang thấp hơn các nước.

Theo chuyên gia Võ Đại Lược, nợ công cao, thâm hụt ngân sách rất lớn của Việt Nam không phải nằm ở phía thu ngân sách, mà do hiệu quả chi ngân sách thấp. Bên cạnh đó, mức chi ngân sách tăng cao hơn so với tốc độ thu ngân sách. Một điểm cần được lưu ý nữa đó là tác động của tăng thuế VAT đối với chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa hiện nay của Chính phủ. Khi tăng thuế, giá hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng theo, trong khi thu nhập của người dân vẫn như vậy thì sẽ làm giảm sức mua.

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc tăng thuế VAT thường dẫn đến tăng giá hàng hóa, dịch vụ ở mức độ khác nhau. “Mặc dù thuế suất phổ thông đề xuất tăng lên 12% không áp dụng cho nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, nhưng người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Nhưng tăng thuế VAT, nếu thu nhập của dân cư không thay đổi, họ có thể tiết kiệm chi tiêu, điều này sẽ ảnh hưởng trở lại đối với DN”, bà Mùi nhận định.

Còn theo TS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Phòng Kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo kích cầu thì đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính là “rất đáng quan ngại”. Việc tăng thuế này sẽ làm tăng giá hàng hóa, tăng áp lực lên giá cả trong nước, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Sức mua hàng hóa của người tiêu dùng sẽ giảm.

Cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế

Một số chuyên gia khi được hỏi cũng nhận định rằng, việc nâng thuế VAT chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, việc này có ảnh hưởng đến sức mua hay không là điều cần phải chờ, vì sức mua phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Trong khi đó, một số quan điểm lại cho rằng, mức tăng thuế VAT như Bộ Tài chính đề xuất không ảnh hưởng nhiều đến kích cầu tiêu dùng. Điển hình là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

“Là người nghiên cứu, xây dựng và triển khai chính sách thuế lâu năm, tôi biết rằng, khi đưa ra một đề xuất tăng thuế, thường tính đồng thuận sẽ không cao. Có thể khi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân được giảm 4 - 5%, người dân, DN vui mừng, nhưng chỉ cần tăng 1% cũng sẽ phản đối”, bà Cúc chia sẻ và cho rằng, điều quan trọng bây giờ là người đưa ra chính sách phải giải thích, so sánh để cho người dân, DN thấy rõ mức tăng lên là bao nhiêu, ở mức độ nào, đánh giá tác động cụ thể thì sẽ dễ tạo ra sự đồng thuận hơn trong quá trình thực hiện.

“Nhìn trực tiếp vào đề xuất tăng thuế hiện nay của Bộ Tài chính có thể thấy, trước tiên, toàn bộ hàng nông lâm sản, thủy hải sản do người dân trực tiếp bán ra vẫn là đối tượng không chịu thuế VAT, do đó, giá bán các mặt hàng này không bị ảnh hưởng, không bị tăng giá bán khi sửa thuế”, bà Cúc phân tích.

Bên cạnh đó, theo bà Cúc, vẫn là những sản phẩm nói trên nhưng đưa vào siêu thị để bán thì chịu thuế suất 5%, dự kiến tăng lên 6%. Như vậy, khi người dân mua hàng cứ 100.000 đồng thì mất thêm 1.000 đồng tiền thuế. Với những người có thu nhập thấp, chỉ sử dụng các mặt hàng thiết yếu thì mức tăng này cơ bản cũng không ảnh hưởng đến mức tiêu dùng.

“Đối với các sản phẩm tiêu dùng khác đang hưởng mức thuế 10%, theo đề xuất là tăng lên 12% thì cứ tiêu dùng 1 triệu đồng, người mua sẽ mất thêm 20.000 đồng tiền thuế VAT. Đây là mức tăng có thể chấp nhận được, nhất là khi tiêu dùng các mặt hàng có giá trị như điện máy, công nghệ phẩm”, bà Cúc bày tỏ quan điểm và cho rằng, khi so sánh cụ thể, mức tăng như Bộ Tài chính đưa ra không ảnh hưởng nhiều đến kích cầu tiêu dùng.

Khi bàn về câu chuyện tăng thuế VAT hiện nay, có rất nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra. Mỗi ý kiến lại có những lý lẽ, căn cứ khác nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, việc có hay không tác động của tăng thuế VAT lên chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ là câu chuyện cần được nghiên cứu kỹ với những luận chứng rõ ràng, có căn cứ và khoa học. Bởi bên cạnh vấn đề về tăng trưởng, đó còn là câu chuyện “cơm áo, gạo tiền” của người dân…

Chuyên đề