Kích cầu nội địa như thế nào?

(BĐT) - Để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng trên 7,4% - mục tiêu được nhận định là cao và nhiều thách thức. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chính phủ liên tục khẳng định việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng một cách tốt nhất nhưng không phải bằng mọi giá và một trong những giải pháp vừa được Thủ tướng đưa ra tại Cuộc họp Thường trực Chính phủ giữa tháng 8 là kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thận trọng khi kích cầu

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 327,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ tiêu này dù có tăng so với cùng kỳ năm 2016, nhưng chưa hẳn đã cao. Khi sức mua chưa được cải thiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đặc biệt, theo ông Lâm, trong bối cảnh nhập siêu đang cao, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ không thể tăng thêm, thì để tăng GDP, buộc phải tăng tiêu dùng của người dân.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,48 điểm phần trăm. Trong số này, tiêu dùng cuối cùng của dân cư đóng góp tới 7,75 điểm phần trăm, còn tiêu dùng của Chính phủ chỉ đóng góp 0,73 điểm phần trăm. Trong khi đó, chênh lệch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đã làm giảm khoảng 7,01 điểm phần trăm của tăng trưởng chung do nhập siêu. Các con số này cho thấy, tiêu dùng hộ gia đình đang đóng góp một phần rất quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh với phóng viên Báo Đấu thầu: “Việc kích thích tiêu dùng nội địa là cần thiết, bởi sản phẩm, dịch vụ có được tiêu thụ mới quay trở lại tác động, đẩy mạnh sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng việc kích cầu có hiệu quả hay không chính nằm ở khả năng chi trả của người dân. Người dân không có khả năng chi trả nhưng vẫn gia tăng mua sắm thông qua việc sử dụng kênh tín dụng tiêu dùng có thể dễ dẫn đến nợ xấu. Người dân không tiết kiệm, không có tích luỹ sẽ tác động đến nguồn lực đầu tư.

Do vậy, theo ông Thành, việc kích cầu phải được tiến hành “thận trọng”. Theo đó, bên cạnh việc kích cầu cần thúc đẩy việc tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo thuận lợi để người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy sản xuất, tạo ra của cải vật chất. “Việc kích cầu phải nằm trong một tổng thể nhịp nhàng, chứ không thiên, không nặng về một phía”, ông Thành lưu ý và phân tích thêm: “Rõ ràng nếu tiêu dùng kém thì sản xuất sẽ khựng lại, nhưng nếu chúng ta kích cầu mà người dân không có tiền, không có khả năng chi trả thì không ổn. Do vậy cần phải tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân”.

Cũng theo ông Thành, song song với các chính sách kích cầu, cần phải làm tốt việc khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. “Có như vậy mới thúc đẩy sức sản xuất các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Thành nói. 

Nỗi lo lạm phát

Bàn về vấn đề kích cầu, TS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, khi thực hiện các giải pháp kích cầu cần tính đến việc kiểm soát lạm phát. Vấn đề đặt ra là làm sao đạt được mục tiêu kích cầu nhưng không gây áp lực lên lạm phát, ông Sơn cho rằng đây là việc rất khó và cần được nghiên cứu kỹ.

Theo ông Sơn, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo kích cầu thì đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính “quả thật rất đáng ngại”. Bởi việc tăng thuế này sẽ làm tăng giá hàng hóa, tăng áp lực lên giá cả trong nước, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.

TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, không chỉ khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại, mà việc kích cầu kém hiệu quả, không đúng đối tượng có thể khiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi.

Ông Trinh cũng cho rằng, tiêu dùng là một trong 3 yếu tố quan trọng để “thúc” tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát tốt, nguồn tín dụng đi vào tiêu dùng sẽ có nguy cơ rủi ro, lạm phát cao và dễ phát sinh nợ xấu. Do vậy cần thận trọng nếu nới tín dụng để kích cầu. Cần đặc biệt cân nhắc với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh hiện nay.

Theo một số chuyên gia kinh tế khác, trong khi Chính phủ chỉ đạo nới lỏng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng có thể sẽ làm cho cầu hàng hóa giảm đi. Cần xem xét lại và có chính sách nhất quán hơn. Thực tế, thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hàng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại... Do đó, việc tăng thuế sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân và ảnh hưởng tới chính sách kích cầu.              

Chuyên đề