Thời kỳ sống chung với Covid-19: Ngành nào được kỳ vọng sớm phục hồi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, một số hoạt động kinh doanh và dịch vụ đã dần được mở cửa trở lại. Điều này tạo ra kỳ vọng tích cực cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sớm khôi phục hoạt động sau thời gian dài bị ảnh hưởng. Một số ngành như bán lẻ, hóa chất, các ngành liên quan đến đầu tư công được dự báo sẽ hồi phục tích cực. Trong khi đó, du lịch, hàng không là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không dễ hồi phục.
Trong thời Covid-19, hàng không, du lịch không dễ phục hồi, trong khi các ngành liên quan đến đầu tư công, bán lẻ, hóa chất… được dự báo sẽ hồi phục tích cực. Ảnh: Phú An
Trong thời Covid-19, hàng không, du lịch không dễ phục hồi, trong khi các ngành liên quan đến đầu tư công, bán lẻ, hóa chất… được dự báo sẽ hồi phục tích cực. Ảnh: Phú An

Trong tháng 8 và 9, Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đều đã xuống sát 40 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất bị suy giảm mạnh. Còn số liệu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được công bố bởi Bộ Công Thương trong tháng 7, 8 đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tháng sau thấp hơn tháng trước. Số liệu tháng 9 đã tăng 6,5% so với tháng 8 nhưng vẫn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, về dài hạn GDP của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dương tích cực. Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 khoảng 4,8%. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9, từ quý IV/2021 chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt từ 3 - 4%.

Triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát là động lực hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia, về dài hạn GDP của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dương tích cực. Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 khoảng 4,8%.

Theo Báo cáo mới đây của FiinGroup, Covid-19 là trở ngại ngắn hạn đối với ngành bán lẻ và đây là ngành có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ sau khi các tỉnh, thành phố lớn mở cửa trở lại. Trong khi đó, hóa chất là một trong số ít ngành đang hưởng lợi nhờ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như các doanh nghiệp phân bón sau khi báo lãi lớn trong quý II, tiếp tục hưởng lợi nhờ giá bán tăng cao (tăng 20% trong tháng 8) do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi gia tăng chi phí đầu vào (than và khí đốt) do có thể chuyển phần lớn chi phí tăng sang người mua. Với cao su và hóa chất khác, xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 7 và 8/2021, tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021.

Một số ngành khác được kỳ vọng hồi phục liên quan đến đầu tư công khi mới đây Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã có chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra 3 nhóm ngành dự báo sẽ "đón sóng" gồm ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công xây dựng và ngành bất động sản (gồm bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp) nhờ hưởng lợi từ "đầu kéo" nền kinh tế là đầu tư công.

Trong khi đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất là hàng không, du lịch không dễ phục hồi. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, trải qua 9 tháng nhưng thực chất ngành du lịch mới làm được có 3 tháng (tháng 2 - 4) do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4. Tại Vietravel, với 1.700 nhân viên, nhưng có những thời điểm đến cơ quan chỉ 15 - 20 người để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Đại diện Vietravel dự báo khả năng du lịch Việt Nam chỉ có thể bắt đầu phục hồi vào tháng 1/2022. Tình hình du lịch từ giờ đến cuối năm sẽ còn khó khăn nữa, các doanh nghiệp cố gắng tồn tại, “sống cho đến lúc bình minh”.

Chuyên đề