Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Ảnh: Tường Lâm |
Do đó, cơ quan soạn thảo và các đơn vị liên quan đang có đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo Quyết định quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 460/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, trong đó, giao “Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên, theo ý kiến góp ý của nhiều bộ, ngành, để thực hiện việc cho phép tiêu thụ nội địa có tính khả thi thì một loạt các Bộ, ngành sẽ phải xây dựng và ban hành những tiêu chuẩn kỹ thuật mới để mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu có thể đáp ứng các yêu cầu trong nước là không phù hợp với thực tế và có khả năng gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh trong nước, môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Bởi, căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu ban hành kèm theo Thông tư 23/2015/TT-BYT, các loại thuốc lá nhập lậu phổ biến vào Việt Nam hiện nay đều không phù hợp với Quy chuẩn. nếu dẫn chiếu Thông tư 23/2015/TT-BYT vào dự thảo Quyết định để kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật thì 80-90% thuốc lá nhập lậu sẽ không thể đáp ứng yêu cầu chuyển tiêu thụ nội địa. Trường hợp phải xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới chỉ để tạo điều kiện cho một dòng sản phẩm nhập lậu đưa vào thị trường tiêu thụ sẽ mất thêm thời gian để nghiên cứu, ban hành và không phù hợp với quy định pháp luật trong nước, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước cũng như sản xuất của ngành công nghiệp thuốc lá đang được giới hạn mức sản xuất hàng năm.
Mặt khác, quy định dán nhãn và in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá lậu (nhằm yêu cầu quản lý tương đương như thuốc lá nhập khẩu thông thuờng hoặc thuốc sản xuất trong nước) cũng được Bộ Tài chính đánh giá không khả thi. Bởi, hiện theo quy định dán nhãn thì hàng tịch thu sung công quỹ sử dụng một loại nhãn riêng. Tuy nhiên chưa có quy định hướng dẫn trường hợp này và việc này cũng sẽ phát sinh thủ tục phải dán nhãn cho từng bao, chi phí cao.
Đối với việc yêu cầu phải dán tem ký hiệu đấu giá trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường thì quy định về việc dán tem đấu giá là rất khó khăn về mặt kỹ thuật khi thực hiện.
Do vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cho rằng, trường hợp áp dụng thí điểm đấu giá cho phép thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu được phép tiêu thụ nội địa sẽ vướng rất nhiều quy định pháp luật trong nước, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực gây ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt kinh tế, xã hội, cạnh tranh không bình đẳng với nền sản xuât trong nước, tác động tới môi trường, sức khỏe người dân…
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo Quyết định theo hướng quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài (không áp dụng thí điểm cho phép tiêu thụ nội địa).
Theo đề xuất này, đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nếu phát hiện là thuốc giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định hiện hành. Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm”.