Bốn tháng đầu năm nay, tín dụng tiếp tục chuyển động đều với tăng trưởng hơn 5%, hướng vào các lĩnh vực khuyến khích sản xuất, kinh doanh cùng cơ cấu hợp lý - Ảnh: Quang Phúc. |
Một lần nữa, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu được nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa lịch sử. Giá trị của nó cũng đã, đang sớm thể hiện.
Dù đã ban hành gần một năm, song Nghị quyết 42 vẫn mới mẻ khi nhìn lại, qua thông tin tại "Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018" tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.
Tư duy đã thay đổi
Nhiều năm về trước, nhiệm kỳ trước, Ngân hàng Nhà nước từng tham vọng sẽ được xây dựng một bộ luật riêng, tạo khuôn khổ rõ ràng, chuyên biệt và đủ mạnh để thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Từng đặt ra tại diễn đàn Quốc hội, ngay cả ở giai đoạn nóng bỏng nợ xấu bắt đầu lộ thiên mức độ hai con số, nhưng tham vọng trên không thể hiện thực.
Nhưng đến 2017, bên cạnh đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (2016 - 2020), cùng đề án sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, một nghị quyết riêng (Nghị quyết 42) nhanh chóng được hoàn thiện và Quốc hội thông qua, ban hành.
Xét cả quá trình nói trên, cũng như giá trị và tính lịch sử của tầm hỗ trợ chính sách, Nghị quyết 42 là thành công lớn nhất của ngành ngân hàng những năm gần đây - giai đoạn tập trung xử lý nợ xấu.
Vì, như góc nhìn mà ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra tại diễn đàn trên: Nghị quyết 42 rất mới, thay đổi hẳn tư duy về nợ xấu.
Suốt một thời gian dài, trong vô vàn tranh luận, nợ xấu từng gắn với một tư duy như mặc định: "nợ xấu ngân hàng", nợ xấu của ngân hàng, do ngân hàng và tự ngân hàng phải trả giá, phải tự chịu trách nhiệm và tự mà xử lý.
Tư duy đó như một điểm ngăn cách, cô lập yêu cầu xử lý nợ xấu với trách nhiệm chung của toàn nền kinh tế (và các thành phần).
"Với Nghị quyết 42, tư duy đã thay đổi, từ nợ xấu của ngành ngân hàng thành nợ xấu của nền kinh tế. Từ thay đổi tư duy đó đã tạo hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, để các bộ ngành, các cấp chính quyền cùng vào cuộc xử lý, để tái tạo nguồn lực chung cho nền kinh tế", ông Nguyễn Tiến Đông diễn giải.
Sau 9 tháng Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn, tạo các khung khổ pháp lý hỗ trợ cần thiết, cũng như gỡ nhiều nút thắt trước đây, kết quả xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Dĩ nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý và tính thực thi.
"Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 42, may mắn có sự vào cuộc, quan tâm của các cơ quan chức năng bộ ngành, việc xử lý tài sản đảm báo đã thuận lợi hơn đáng kể", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia của Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) đánh giá.
Chuyên gia này dẫn thực tế, sau khi nhận diện nợ xấu một cách đầy đủ và sát thức với mức độ 17,2% vào tháng 9/2012, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã giảm được về khoảng 7,4% cuối năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao, và theo dự báo của tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục giảm được xuống khoảng 6% cuối năm nay.
Còn tại VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông đưa ra kết quả lạc quan: từ khi có Nghị quyết 42, kết quả xử lý nợ xấu tăng gấp rưỡi so với trước.
Theo Chủ tịch VAMC, cùng với sự phối hợp tốt hơn giữa các ban ngành chức năng, ý thức trả nợ của khách hàng đã chuyển biến nhiều hơn trước.
"Nhiều trường hợp chúng tôi mới chỉ có giấy mời làm việc thì khách hàng đã mang tiền đến trả. Nhiều trường hợp chưa phải dùng đến các bước, các biện pháp thì khách cũng đã chủ động trả. Ý thức và tâm lý vay - trả đã sòng phẳng hơn, thị trường hơn so với trước", ông Đông cho biết.
Gánh nặng đã vơi
Nợ xấu, năm 2017 lẽ ra sẽ "đẹp" hơn nữa nếu Ngân hàng Nhà nước cấp tập thực thi định hướng. Nhiều lần năm qua, tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ gợi ý thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22% để hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công tắc chậm.
Ước tính, khoảng 700 nghìn tỷ đồng bơm thêm theo hướng trên; mẫu số tổng dư nợ doãng ra, tỷ lệ nợ xấu có thêm điều kiện co nhỏ lại.
Nhưng, cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quán giữ chỉ tiêu định hướng tăng trưởng hợp lý như đề ra đầu năm.
Tại diễn đàn trên, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia của Fullbright, nhắc lại câu chuyện trên với nghĩa đó từng là một gánh nặng đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Gánh nặng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, lại vừa phải kiểm soát được lạm phát và ổn định được giá trị đồng tiền…, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã làm được.
Khi làm được thì tạo niềm tin. Mà theo ông Thành, có khía cạnh niềm tin đối với chính sách, với điều hành chính sách còn quan trọng hơn các chỉ tiêu cố phấn đấu đạt được nào đó.
Chuyên gia Phan Minh Ngọc cũng nhìn nhận, chính sách vĩ mô của Việt Nam cũng đã dần thay đổi, không còn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu như trước đây nữa, mà ưu tiên cho ổn định; chính sách tiền tệ theo đó chủ động và ổn định hơn, không nơi lỏng như trước.
Đại diện nhà điều hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, những năm gần đây các chỉ tiêu chính sách tiền tệ là trung gian, linh hoạt theo thực tế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Với tín dụng, Ngân hàng Nhà nước liên tục bám sát, cảnh báo các tổ chức tín dụng nếu có biểu hiện chệch nhịp, với quan điểm trên hết khi tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn hoạt động.
"Tăng trưởng tín dụng có độ trễ đối với tăng trưởng kinh tế. Hiện tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống và tổng phương tiện thanh toán", ông Hà cho biết.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, hai năm gần đây, tăng trưởng tín dụng đã trải đều ngay từ những tháng đầu năm, thay vì thường âm trước đây rồi dồn vào cuối năm.
Bốn tháng đầu năm nay, tín dụng tiếp tục chuyển động đều với tăng trưởng hơn 5%, hướng vào các lĩnh vực khuyến khích sản xuất, kinh doanh cùng cơ cấu hợp lý.