Tết Nhâm Dần nhớ tranh “Ngũ Hổ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền ở đất kinh kỳ Thăng Long xưa, rất nhiều nhà có thú chơi tranh. Ngay ở đất Thăng Long cũng có một dòng tranh dân gian nổi tiếng gắn với 36 phố phường. Đó là tranh Hàng Trống. Cũng như các dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống có hai đề tài chính là tranh Tết và tranh thờ. Trong các loại tranh thờ thì bức tranh Ngũ Hổ là nổi tiếng nhất!
Các nghệ nhân xưa đã tạo nên nét riêng cho dòng tranh Hàng Trống
Các nghệ nhân xưa đã tạo nên nét riêng cho dòng tranh Hàng Trống

Tranh dân gian ra đời nơi phố chợ

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, ở tuổi ngoài thất thập, bỗng dưng tôi lại nhớ bố lúc sinh thời kể rằng, vào khoảng những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, khi gia đình bố mẹ tôi ở phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), hầu như Tết nào bố tôi cũng lên phố Hàng Trống mua tranh về treo trong nhà. Thuở ấy, tranh Hàng Trống được ưa chuộng lắm. Dịp trước Tết Nguyên đán, các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt… bày bán tranh tấp nập người qua lại mua bán và xem tranh, nhộn nhịp cả khu phố trung tâm Hà Nội.

Theo lịch sử nghệ thuật Việt Nam, các dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống được ví như bộ “tam đa” của tranh dân gian miền Bắc. Trong đó, tranh dân gian Hàng Trống là tranh của cư dân thành thị nên có nét sang trọng, tinh tế và từng là một phần không thể thiếu của người thành thị trong những ngày Tết đến, xuân về.

Tranh Tết Hàng Trống rất phong phú. Có những bức về đề tài dân dã như “Chợ quê” hay “Canh nông chi đồ”… để nhà nào trong dịp Tết cũng có thể treo được. Nhưng cũng có những bức chỉ nhằm phục vụ người có thú chơi tranh như các bộ Tứ bình (bốn bức) hoặc Nhị bình (hai bức). Tứ bình thì có tranh “Tố nữ”, “Tứ dân” (Ngư, Tiều, Canh, Mục) hoặc “Tứ quý” (Bốn mùa). Có bộ Tứ bình trình bày theo thể liên hoàn rút từ các tích truyện như Nhị độ mai, Thạch Sanh, Truyện Kiều… Nhị bình thì vẽ những đề tài như “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng) hoặc “Chim công múa” có ngụ ý cầu phúc, mong ước thái bình.

Còn tranh thờ Hàng Trống phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng ảnh hưởng rất rõ của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo với hình tượng tương đối giản dị mà thể hiện khá công phu, toát lên sắc thái linh thiêng, uy vệ. Có thể kể đến các bức tranh như: “Tứ phủ công đồng”, “Bà Chúa Thượng Ngàn”, “Mẫu Thoải”, “Ngũ Hổ”, “Đức Thánh Trần”, “Ông Hoàng Mười”, “Bà Chúa Ba”... rất cầu kỳ, mang ý nghĩa tâm linh, thường dùng để treo ở đình, đền, phủ, miếu, nhà thờ các dòng tộc hoặc gia đình. Trong đó, được biết phổ biến qua nhiều thế hệ là bức tranh “Ngũ Hổ”.

Nét văn hóa độc đáo trong tranh “Ngũ Hổ”

Tranh dân gian “Ngũ Hổ” Hàng Trống gắn liền với văn hóa thờ cúng của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ Hổ được người Việt khởi phát, duy trì từ thuở xưa, khi con người sinh sống nhờ săn bắt, hái lượm.

Với cách thức sáng tạo của mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà còn làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật. Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống vẽ năm con Hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con Hổ một dáng vẻ: con đứng, con ngồi, con cưỡi mây lướt gió..., con nào cũng hiện rõ những khối thân chắc khỏe, đường bệ, oai phong. Đặc biệt, những chiếc đuôi Hổ như đang ve vẩy uốn vồng lên, đập xuống lấy đà để sẵn sàng bật chồm tới, thể hiện khí phách oai phong của loài mãnh chúa!

Màu sắc trong tranh “Ngũ Hổ” là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh. Nhân vật chính của tranh là năm con Hổ được vẽ với năm màu: vàng, xanh, trắng, đỏ, đen. Lối dùng màu này của các nghệ nhân tranh Hàng Trống thể hiện rõ một hàm ý, mang triết lý sâu xa của quan niệm dân gian. Đó là theo thuyết Âm dương Ngũ hành, hành Thổ là sự quy tàng của bốn hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Có hiểu như vậy mới biết cách bố trí năm con Hổ trong bức tranh. Hoàng Hổ - con Hổ lớn nhất - được vẽ bằng màu vàng, ngồi đường bệ giữa bức tranh, tượng trưng cho hành Thổ. Thanh Hổ - con Hổ màu xanh - tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông. Bạch Hổ - con Hổ màu trắng - tượng trưng cho hành Kim, ứng với phương Tây. Xích Hổ - con Hổ màu đỏ - tượng trưng cho hành Hỏa, ứng với phương Nam. Hắc Hổ - con Hổ màu đen - tượng trưng cho hành Thủy, ứng với phương Bắc.

Trong tranh “Ngũ Hổ”, các nghệ nhân còn tô vẽ thêm các đám mây ngũ sắc với các đường cong gãy khúc nối nhau, lớp trong, lớp ngoài cuồn cuộn gợi cảm giác thần bí, thiêng liêng. Đây cũng là mục đích của tranh Tết, tranh thờ. Trên đầu Hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có bảy chấm trắng là hình tượng của chòm sao Tiểu Hùng Tinh. Chân Hổ vàng ôm lấy hòm ấn có miếng phù ghi bốn chữ “Pháp đại uy nỗ” (dịch theo ngôn ngữ hiện đại có thể hiểu là quy luật chủ yếu bao trùm). Hai bên Hổ vàng, bên phải có năm thanh kiếm, bên trái có năm lá cờ lệnh thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất. Hỗ trợ cho khí phách của ngũ Hổ là những đám mây huyền ảo được vẽ ở phía trên và hai tảng núi cách điệu đối xứng ở phía dưới cho 2 ngài Hổ đứng. Đó là nguyên nhân khi nhìn năm “ông Hổ” trong tranh, người ta có cảm giác như một lá bùa chú. Song cũng nhiều người cho rằng, bức tranh thể hiện sự sum vầy, đầy đủ và treo tranh “Ngũ Hổ” tạo cảm giác yên tâm như được che chở…

Thật tiếc, cũng như các dòng tranh dân gian khác, theo thời gian, dòng tranh Hàng Trống dần bị mai một. Tết con Hổ năm nay, nếu như ai có nhu cầu thưởng thức bức tranh “Ngũ Hổ” nổi tiếng thì chắc chỉ có thể xem qua bảo tàng, sách, báo, Internet...

Chuyên đề