Không thay đổi cách thức, bán vốn nhà nước khó thành công

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu được đề ra là Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 137 DN, chỉ sở hữu 100% vốn tại 103 DN và thu về tối thiểu 250.000 tỷ đồng phục vụ cho đầu tư công trung hạn. 
Lợi thế địa lý từ quỹ đất phải được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Ảnh: Hồng Kỳ
Lợi thế địa lý từ quỹ đất phải được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Ảnh: Hồng Kỳ

Làm thế nào để CPH đạt số lượng đề ra và giá trị thu về đạt mức cao nhất?

Bán vốn cơ bản là không đạt

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, công tác CPH DNNN thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như chưa thu hút được nhà đầu tư bên ngoài, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn lớn. Vì vậy, hoạt động này chưa góp phần phân bổ lại nguồn lực giữa DNNN với DN khác, mức độ đóng góp vào tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chỉ ở mức độ hạn chế.

Thống kê cho thấy, đến năm 2016, cả nước đã CPH trên 4.500 DN. Dù vậy, nhìn từ thực tế 10 năm qua, CPH luôn chậm hơn so với yêu cầu, chất lượng CPH còn thấp. Nhiều mục tiêu quan trọng chưa đạt được, trước hết là mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân và giảm tỷ trọng cổ phần nhà nước tại DN theo quy định.

Cụ thể, về số lượng và tiến độ, những năm 2007 - 2010 chỉ đạt 30% kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 93% nhưng có tới một nửa số DN được phê duyệt CPH vào năm 2015 - năm cuối của kỳ kế hoạch. Cả năm 2016 chỉ CPH được 56 DN.

Hầu hết các DN CPH giai đoạn 2011 - 2015 không đạt kế hoạch thoái vốn nhà nước theo phương án đã được phê duyệt. Tỷ lệ cổ phần nhà nước sau CPH luôn cao hơn so với quy định (ở các mức 75%, 50 - 65%, dưới 50% vốn điều lệ).

Nhiều DN CPH chỉ có cổ phần nhà nước và cổ phần của người lao động, thậm chí cổ phần nhà nước lên đến 99% vốn điều lệ. Nhà nước vẫn phải duy trì cổ phần tại DN không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ cổ phần.

“Muốn thực hiện đúng và đầy đủ tiêu chí thoái vốn nhà nước tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, ước tính giá trị vốn nhà nước tại 137 DN cần bán cho các nhà đầu tư bên ngoài lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Vì vậy, nếu không thay đổi thực chất về thể chế, cơ chế và cách thức triển khai thì việc thực hiện chương trình CPH DNNN 2016 - 2020 sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như 10 năm qua” – ông Hiếu nêu quan điểm. 

Lấp lỗ hổng của cổ phần hóa

TS. Lê Anh Duy đề nghị cần sớm thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, việc này sẽ đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích đã ăn sâu, bám rễ với sự tồn tại của DNNN kiểu cũ, kiểu bộ chủ quản và cơ quan chủ quản.
Nhìn lại tiến trình CPH từ năm 1992 đến nay, lòng tin về việc chuyển 137 DNNN thành công ty cổ phần trong một thời gian ngắn, theo ông Phan Đức Hiếu, là có cơ sở. Song, vấn đề không nằm ở số lượng DN chuyển đổi mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của CPH và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển chung của đất nước.

TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, có rất nhiều kẽ hở gây thất thoát tài sản công khi CPH DNNN. Do đó, cách thức CPH cần phải đổi mới. Phải bãi bỏ các hạn chế đối với nhà đầu tư chiến lược và không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch, mà sau khi CPH vẫn còn vốn nhà nước thì DN tiếp tục niêm yết trên sàn để tự bán. Việc ban hành danh mục CPH DNNN chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để chủ động và an tâm trong chuẩn bị và ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần có những đột phá hơn nữa về chế độ thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực; xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp cho từng DN…

TS. Lê Anh Duy thuộc Trường Đại học Sài Gòn nêu vấn đề, lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng đã nằm ngay trong cách thức thực hiện CPH DNNN khi chúng ta giao cho từng ngành, từng DN thực hiện CPH. Có nghĩa là giao cho chính những người trong cuộc hay đối tượng liên quan bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời cũng cho họ có luôn cả tư cách người mua.

Với phân tích như vậy, TS. Lê Anh Duy đề nghị cần sớm thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, việc này sẽ đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích đã ăn sâu, bám rễ với sự tồn tại của DNNN kiểu cũ, kiểu bộ chủ quản và cơ quan chủ quản. “Với kết quả như hiện tại trong hoạt động của khối DNNN thì có thể nói mô hình quản lý hiện nay, mô hình bộ, ngành chủ quản, là không hợp lý và càng để lâu thì hệ lụy càng lớn” – TS. Duy nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng một số DNNN có những lợi thế địa lý từ quỹ đất có giá trị. Quỹ đất này dù là thuê của Nhà nước cũng cần phải đưa vào xác định giá trị của DN khi CPH, tránh việc tiếp tục làm lợi cho chủ sở hữu mới của DN. Nếu không muốn đưa lợi thế của những mảnh đất thuê này vào giá trị DN CPH thì DNNN cần phải trả lại những mảnh đất đang thuê trước khi tiến hành định giá. Đồng thời, Nhà nước sẽ cho đấu giá công khai quyền thuê những mảnh đất đó để bảo đảm lợi ích tối đa cho ngân sách.

Chuyên đề